Dòng sự kiện:
Cảnh báo chiêu lừa bán giấy chứng nhận đăng kiểm online
30/03/2023 06:00:56
Theo quảng cáo, chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu đồng, khách hàng sẽ có phiếu kiểm định và tem đường bộ thật 100% mà không phải mang xe đến tận trung tâm đăng kiểm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm, những quảng cáo dịch vụ đăng kiểm mà không phải mang xe đến nơi "chắc chắn là lừa đảo".

Thời gian qua, trên mạng xã hội có không ít đối tượng quảng cáo dịch vụ “đăng kiểm” online, không cần phải mang xe đến trung tâm đăng kiểm, giúp người dân không phải xếp hàng chờ đợi. Những đối tượng này cũng khẳng định, giấy đăng kiểm là thật 100% nên cho khách hàng kiểm tra rồi mới thu tiền.

Trong vai khách hàng có nhu cầu đăng kiểm cho một xe ô tô 13 năm tuổi, chúng tôi liên lạc với một tài khoản quảng cáo làm dịch vụ đăng kiểm kiểu trên. Người này giới thiệu tên Đông.

Đông cho biết thủ tục đăng kiểm cũng rất đơn giản. Khách hàng gửi thông tin xe cần đăng kiểm, tốt nhất là gửi phiếu đăng kiểm cũ. Căn cứ vào đăng kiểm cũ, nhóm của Đông sẽ làm dịch vụ đăng kiểm đi kèm để làm phiếu kiểm định mới. Đặc biệt, khách hàng sẽ không cần phải mang xe đến trung tâm đăng kiểm.

“Kết quả kiểm định và phiếu kiểm định thật 100%. Vì thế, khách hàng có thể kiểm tra khi nhận hàng. Thấy đúng thì mới thanh toán”, Đông khẳng định.

 

Tem Kiểm định cho một ô tô được tài khoản có tên Đông làm cho khách hàng.

Về giá dịch vụ, Đông cho biết "xe lớn bù xe bé đều đồng giá 1,5 triệu đồng/xe". Trong đó, bao gồm cả phí đăng kiểm và tem đường bộ đi kèm. Đối với chiếc xe 13 năm tuổi của chúng tôi, do khoảng cách giữa các lần đăng kiểm là 6 tháng nên Đông giảm giá còn 1,2 triệu đồng/lượt đăng kiểm.

Không chỉ nhóm của Đông, trên mạng xã hội facebook có nhiều tài khoản quảng cáo làm dịch vụ đăng kiểm mà không cần mang xe đến nơi. Trong đó, nhiều người còn khẳng định giấy, tem đăng kiểm là thật 100%.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều đơn vị triển khai dịch vụ đăng kiểm thuê xe ô tô. Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết, dịch vụ họ triển khai là hợp pháp. Sau khi trao đổi và được khách hàng đồng ý, nhân viên đến ký hợp đồng và mang xe cùng với giấy tờ đi đăng kiểm. Khi nhận xe, khách hàng sẽ được bàn giao giấy tờ bao gồm: Giấy tờ xe, giấy kiểm định, các hóa đơn trong quá trình kiểm định cùng biên bản thanh lý hợp đồng.

Cẩn trọng kẻo bị phạt

Theo lãnh đạo một Trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, để đăng kiểm ô tô, khách hàng cần thực hiện theo quy định hiện hành. Cụ thể, khách hàng đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và nộp hồ sơ đăng kiểm, bao gồm đăng ký xe, đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, viết tờ khai và đóng phí (với xe con, phí kiểm định là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận 50.000 đồng).

Các công đoạn kiểm định ô tô gồm: Kiểm tra tổng quát; Kiểm tra phần trên ô tô; Kiểm tra trượt ngang bánh xe dẫn hướng, kiểm tra phanh xe. Kiểm tra tiêu chuẩn môi trường; Kiểm tra phần gầm ô tô… Nếu xe không đạt yêu cầu, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số xe để tài xế mang xe đi sửa.

Nếu xe đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm theo thứ tự sẽ đọc biển số xe để lái xe đóng phí bảo trì đường bộ. Khi đã hoàn tất các thủ tục trên, tài xế ra xe chờ dán tem đăng kiểm mới, nhận hồ sơ và ra về.

“Việc đăng kiểm phải mang xe đến tận nơi chứ không thể làm online được. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, ngành đăng kiểm đang rất “nhạy cảm” nên chắc chắn không trung tâm nào dám làm liều, làm ẩu. Vì thế, những quảng cáo dịch vụ đăng kiểm mà không phải mang xe đến nơi chắc chắn là lừa đảo”, vị lãnh đạo này nói.

Người dân chờ đăng kiểm xe tại một Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội.

Về vấn đề trên, Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông. Trong đó, chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn.

Khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm. Trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm. Tem đăng kiểm được dán trên kính xe để tiện cho chủ xe theo dõi và phục vụ kiểm soát của lực lượng chức năng đối với phương tiện. Giấy, tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm quản lý, cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm. Các trường hợp dùng giấy, tem đăng kiểm mà nguồn gốc phôi không do Cục Đăng kiểm cấp đều không có giá trị.

Cũng theo Luật sư Duy, khi xe gần hết hạn đăng kiểm nên đi đăng kiểm để đảm bảo an toàn cho xe. Trường hợp cố tình vi phạm, mua tem, giấy kiểm định giả thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100 với mức phạt tiền lên đến 6 triệu đồng (khoản 5 Điều 16 Nghị định 100).

Ngoài ra, còn thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy, tem đăng kiểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Đặc biệt, cơ quan chức năng có thể tịch thu phương tiện nếu người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Đối với người làm giả tem, phiếu đăng kiểm, Luật sư Duy cho rằng nếu bị phát hiện, cơ quan CSĐT sẽ khởi tố hình sự hành vi làm giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức theo điều Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Việc kiểm định xe là nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn của xe, giảm thiểu rủi ro trong quá trình lưu thông. Cho nên, việc đăng kiểm phương tiện không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện và những người khác”, luật sư Duy nói.

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến