Dòng sự kiện:
Cảnh báo sau phiên chứng khoán 2,5 tỷ USD
20/11/2021 08:04:45
Sự tham gia của nhà đầu tư chứng khoán ngày càng nhiều đang giúp thanh khoản mở rộng lên đến 2,5 tỷ USD, nhưng đồng thời đặt ra những rủi ro phát sinh đi kèm.

Diễn biến phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/11 không dành cho những nhà đầu tư "yếu tim" khi chỉ số xoay chiều đột ngột. VN-Index đi ngang trong suốt buổi sáng nhưng bất ngờ lao dốc khi về cuối phiên chiều.

Bên bán chiếm ưu thế khiến VN-Index có thời điểm giảm sâu gần 35 điểm, tuy nhiên dòng tiền lớn nhanh chóng nhập cuộc “vét hàng” giá rẻ giúp chỉ số hồi phục nhanh. Kết phiên chỉ số chính còn giảm 17,5 điểm (1,19%) về mức 1.452 điểm.

Cổ phiếu nào giao dịch nhiều nhất?

Bên mua và bên bán liên tục giằng co mạnh đã giúp thị trường tiếp tục có kỷ lục mới về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch trên các sàn là hơn 56.338 tỷ đồng (2,5 tỷ USD), tương đương hơn 2,1 tỷ cổ phiếu được mua bán và vượt qua mức kỷ lục xác lập trước đó nửa tháng.

Trong đó giá trị giao dịch tại riêng HoSE đạt 44.803 tỷ đồng (2 tỷ USD), tăng 28% so với phiên hôm qua. Đây cũng là con số kỷ lục tại sàn chứng khoán lớn nhất cả nước với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu được trao tay.

Tiền chảy mạnh vào thị trường trong những phút cuối giúp nhiều mã chứng khoán chuyển trạng thái từ nằm sàn sang dần hồi phục về tham chiếu, thậm chí là tăng mạnh lên mức giá trần như EVG, TNI, IDI, DAG…

Không chỉ trên HoSE mà thanh khoản trên các sàn khác cũng ghi nhận mức kỷ lục. Sàn niêm yết HNX phiên cuối tuần ghi nhận giá trị giao dịch lên hơn 6.450 tỷ đồng và sàn giao dịch UPCoM có thanh khoản 5.065 tỷ đồng.

Toàn thị trường ghi nhận 786 cổ phiếu giảm và bên tăng chỉ có 411 mã. Đáng chú ý khi duy nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng có được sắc xanh hôm nay, được dẫn dắt chủ yếu bởi mức tăng trần của mã HDB (HDBank).

Tính riêng từng cổ phiếu, HPG của Hòa Phát được giao dịch lớn nhất khi đứng đầu về giá trị lẫn khối lượng, lần lượt đạt 2.367 tỷ đồng và 48,47 triệu cổ phiếu, đóng góp 3,3% thanh khoản toàn thị trường. Mã ngành thép này được xem là “cổ phiếu quốc dân” khi vẫn thường xuyên đứng đầu lượng giao dịch.

Các mã xếp sau về khối lượng giao dịch có thị giá tương đối thấp so với mặt bằng chung như FLC, ITA, HQC, HAG, ROS, điều đó cho thấy dòng tiền vẫn còn tập trung rất lớn ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

TCB của Techcombank mặc dù chỉ có 29,9 triệu cổ phiếu được giao dịch, tuy nhiên do thị giá lớn nên giá trị giao dịch lên đến 1.547 tỷ đồng, chỉ xếp sau về giá trị so với HPG.

Nhà đầu tư nước ngoài cùng chung hành động xả hàng quyết liệt, kéo dài mạch bán ròng 3 phiên liên tiếp. Tổng giá trị bán ra xấp xỉ 2.400 tỷ đồng trong khi mua vào khoảng 1.600 tỷ. Lực bán ròng chủ yếu ở các cổ phiếu HPG, VPB và VNM với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Chứng khoán MB nhận định phiên ngày 19/11 chỉ là phiên rũ bỏ dành cho một số cổ phiếu tăng nóng trước đó, còn về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng điểm khi đường MA20 chưa bị vi phạm, nhưng một số chỉ báo đang chuyển biến xấu.

Điều này phát đi tín hiệu thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp rung lắc mạnh trong tuần tới. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn rất tốt và dòng tiền vẫn ở lại thị trường, ngoài ra nhóm trụ ngân hàng có thể quay trở lại dẫn dắt thị trường.

Thanh khoản ngày càng mở rộng

Thực tế thanh khoản thị trường mở rộng khi làn sóng nhà đầu tư gia nhập thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới 10 tháng đầu năm đạt hơn 1,1 triệu, bằng tổng số 3 năm trước đó cộng lại nên lượng tiền nộp vào giúp thanh khoản bùng nổ.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng và vượt xa dự báo của các chuyên gia. Việc thị trường tăng nóng cũng làm xuất hiện những lo lắng về “bong bóng” chứng khoán.

Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu HSC chia sẻ quy mô giao dịch 20.000 tỷ đồng/phiên trước đây đã là một niềm mơ ước, tuy nhiên hiện tại những phiên giao dịch tỷ đô đã không còn quá xa lạ.

"Thanh khoản của HoSE đã vượt qua Singapore, thậm chí có một số phiên bằng cả thị trường Thái Lan. Trong khi quy mô GDP trong nước chỉ bằng 2/3 Thái Lan, nghĩa là có cái gì đó về mức độ nóng trong ngắn hạn", ông Long nói về rủi ro tiềm ẩn của thị trường.

Tuy nhiên về mặt dài hạn, vị này khẳng định nền tảng vĩ mô đang rất thuận lợi cho chứng khoán phát triển. Vốn hóa của Việt Nam hiện còn khiêm tốn với chỉ 65% GDP theo cách tính mới, trong khi con số trung bình các nước trong khu vực quanh 100% GDP.

Ông Trần Lê Minh, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng hiện tại là thời điểm thị trường chứng khoán đang có sự thay đổi về mặt bản chất. Hiện các động lực phát triển đã dần xuất hiện, qua đó phát sinh những động lực khác cho sự phát triển của thị trường.

Chuyên gia từ Dragon Capital cho rằng sự thay đổi bản lề cũng đặt ra câu hỏi về mức tăng nóng khi một thế hệ nhà đầu tư vẫn chưa có đủ kiến thức gia nhập. Việc phát triển nhanh nhưng làm gì để hạn chế rủi ro phát sinh cùng quá trình tăng trưởng nóng là điều cần quan tâm.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương, Giám đốc kinh doanh Chứng khoán Yuanta Việt Nam tin rằng thị trường chứng khoán đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và do đó việc bùng nổ thanh khoản là tất yếu.

Vị giám đốc còn dự báo khả năng thanh khoản sẽ tiếp tục tăng dần với kỳ vọng trong năm 2022 sẽ thấy những phiên 60.000-70.000 tỷ đồng/phiên.

 Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến