Dòng sự kiện:
Cảnh giác với thủ đoạn dùng sổ đỏ giả để lừa đảo
25/07/2014 14:00:26
Liên tiếp những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức dưới hình thức dùng sổ đỏ giả để lừa đảo người dân.

Liên tiếp những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức dưới hình thức dùng sổ đỏ giả để lừa đảo người dân.

 

Ngày 23/7, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khởi tố Nguyễn Trọng Thành, 40 tuổi, trú tại phường Khương Đình (Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tháng 6/2013, Thành ký hợp đồng với bà Đỗ Thị Ngọc Nga, ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thuê căn nhà số 36/80 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân với giá 11,5 triệu đồng một tháng, thời hạn 5 năm.

 

Ngày 6/2013, Thành làm giả Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà đang thuê của bà Nga mang tên Nguyễn Trọng Thành. Có sổ đỏ giả trong tay, Thành rao bán căn nhà. Ngày 7/10/2013, Thành bán căn nhà này cho ông Trịnh Xuân Đức, ở Hà Nội với giá 300 triệu đồng, trong khi đó giá trị thực của căn nhà này là trên 3 tỷ đồng. Nhận được đơn tố cáo của bị hại, cơ quan Công an đã tiến hành giám định các loại giấy tờ liên quan đến căn hộ trên. Kết quả giám định cho thấy, sổ đỏ mang tên Nguyễn Trọng Thành là giả. 

 

Đối tượng Phương và Yến.

 

Ngày 18/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thị Phương, 36 tuổi, trú tại 16A/1 Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) 8,6 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức. Ngoài hình phạt tù, Tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại. Trước khi phạm tội, Phương là nhân viên Trạm Khuyến nông huyện Từ Liêm (cũ). Theo bản án sơ thẩm, tháng 12/2010, vợ chồng Phương được UBND thị xã Sơn Tây cấp sổ đỏ diện tích đất 97,4m2.

 

Tháng 4/2011, vợ chồng Phương mang sổ đỏ này thế chấp tại một ngân hàng có chi nhánh ở thị xã Sơn Tây để vay số tiền hai tỷ đồng. Nhưng trước khi mang sổ đỏ thế chấp, Phương đã photo màu với mục đích sử dụng sổ đỏ photo để thực hiện các giao dịch khác như mua bán, chuyển nhượng hoặc vay tiền. Bốn tháng sau khi mang sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng, Phương hỏi người quen là chị Nguyễn Thị Thúy Trang, ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội vay tiền. Chị Trang yêu cầu phải có sổ đỏ mới cho vay. Phương đưa cho chị Trang xem sổ đỏ giả và hỏi vay số tiền 500 triệu đồng.

 

Tin tưởng Phương là người quen và sổ đỏ photo màu mà Phương cho xem là sổ đỏ thật nên chị Trang đã đồng ý cho Phương vay số tiền như trên. Tháng 10-2011, vợ chồng Phương trả ngân hàng số tiền đã vay và lấy sổ đỏ về. Sau đó vợ chồng Phương bán ngôi nhà và diện tích đất trên cho một gia đình ở tỉnh Vĩnh Phúc. Đến hẹn không thấy vợ chồng Phương trả tiền, chị Trang nhiều lần đòi thì vợ chồng Phương tìm cách khất lần... Tìm hiểu ra, chị Trang mới biết sổ đỏ mà Phương thế chấp cho chị là sổ đỏ giả.

 

Vũ Thị Hồng Yến, 37 tuổi, trú tại số 10 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Ba Đình (Hà Nội), nguyên là Thư ký tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Trước khi gây ra vụ án này, Yến đang phải chịu hình phạt 8 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do TAND quận Đống Đa tuyên phạt. Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2010, Yến nhờ người làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở tại số 10 đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội mang tên chủ sở hữu là Vũ Thị Hồng Yến. Từ tháng 9 đến tháng 11/2011, Yến đã dùng sổ đỏ giả làm thủ tục chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thịnh Phát để hai lần vay số tiền 904 triệu đồng và chiếm đoạt.

 

Theo Luật sư Phạm Trung Hiếu, Công ty Luật hợp danh JDC, để tránh bị lừa khi thực hiện các giao dịch về nhà đất, người dân cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của tài sản như: bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CMND/hộ khẩu của bên chuyển nhượng, hợp đồng mua bán (nếu có) để có thể trực tiếp xem xét, kiểm tra; tuyệt đối không tham gia giao dịch khi nhà đất chưa có giấy tờ rõ ràng. Ngoài ra, người dân có thể đến Phòng Tài nguyên & Môi trường quận/huyện/thị xã; Văn phòng đăng ký bất động sản để tìm hiểu về nguồn gốc đất mà mình định giao dịch. Người mua cần đăng ký sang tên sở hữu đối với tài sản (sổ đỏ) ngay sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Bởi ngay từ khâu đầu tiên của thủ tục này là công chứng hợp đồng mua bán tại các tổ chức hành nghề công chứng, trên mạng chung của hệ thống này đã có thông tin đầy đủ về tình trạng pháp lý của tất cả các khu nhà, thửa đất đã có sổ đỏ. Nếu là sổ đỏ giả lập tức bị phát hiện.

 

Nguyễn Hưng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến