Dòng sự kiện:
Cảnh giác với tình trạng lừa đảo tiêm phòng vắc-xin phòng COVID-19
29/09/2021 16:20:26
Từ việc nhiều người tìm cách muốn tiếp cận loại vắc-xin COVID-19 như mình muốn đã dẫn đến tình trạng nhiều kẻ gian quảng cáo tiêm vắc-xin dịch vụ để lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc.

Những người chưa được tiêm vắc-xin COVID-19 nôn nóng, để đánh vào tâm lý này, đối tượng xấu mới vẽ chuyện, lừa tiền cọc. 

Nhiều tài khoản đăng thông tin quảng cáo dịch vụ tiêm vắc-xin COVID-19 trên mạng xã hội, sau đó đề nghị chuyển khoản đặt cọc, rồi chiếm đoạt. Ngày 5/9 vừa qua, Công an TP HCM đã bắt giữ nghi can liên quan đến hành vi này.

Theo đó, anh L.T (35 tuổi, quê Đà Nẵng), cho biết, vì có nhu cầu tiêm vắc-xin COVID-19 nên lên mạng xã hội Facebook đăng thông tin "cần ai đó nhường suất tiêm và sẽ trả tiền". Ngay sau đó, có tài khoản tên T.T nhắn tin, quảng cáo dịch vụ tiêm vắc-xin COVID-19.

Người này yêu cầu anh L.T chuyển tiền cọc, kèm giấy CMND. "Chưa có gì đã bảo chuyển tiền nên tôi thấy không đảm bảo. Người này yêu cầu chuyển 800.000 đồng. Tuy không lớn nhưng ít nhất phải có tin nhắn hay xác nhận tiêm gì đó", anh L.T bức xúc và cho biết, trong nhóm "Đăng ký tiêm vắc-xin ngừa COVID-19" đã có nhiều người bị lừa.

Chị B.T.H., trú quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, thấy tài khoản P.D.L có đăng thông tin "công ty còn dư suất tiêm, ai cần tiêm vắc xin COVID-19 liên hệ", nên chị nhắn tin hỏi.


Theo chị, người này hỏi họ tên, địa chỉ chị đang ở, rồi sau đó đề nghị chị chuyển 1 triệu đồng tiền cọc.

Sau khi chuyển tiền thì chủ tài khoản sẽ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền "tiêm vắc-xin dịch vụ"

"Tôi không tin tưởng, thì người này gửi danh sách tiêm vắc xin được cho của công ty người này, nên tôi mới chuyển khoản 1 triệu đồng. Tôi chuyển khoản tiền cọc xong thì người này chặn luôn", chị H. ngao ngán.

Hay mới đây vào ngày 27/9, Công an TP Huế (Thừa Thiên - Huế) đã bắt tạm giam Nguyễn Thị Thuỷ Tiên (SN 1999), trú thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) do có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người, thu lợi bất chính cả trăm triệu đồng.

Công an tống đạt lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Thuỷ Tiên 

Theo điều tra, Tiên lấy tên giả là Nguyễn Thị Khánh Vy (SN 1992, ở Huế), giới thiệu với một số bị hại về việc có người quen làm ở Bộ Công an, Quân đội có người thân được tiêm vắc-xin COVID-19 nhưng không có nhu cầu, nên bán lại với mỗi suất từ 4 triệu đến 5 triệu đồng.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 8 đến tháng 9/2021, đối tượng đã lừa đảo nhiều bị hại với số tiền chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4719/BYT-TT-KT, ngày 14/6/2021 về việc tăng cường truyền thông cảnh báo về lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc-xin giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác; Chỉ đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Đồng thời, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc-xin để tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân.

Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Ngoài ra, khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương. 

Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Theo Luật sư Hoàng Dương, đoàn Luật sư TP Hà Nội, khuyến cáo của Bộ Y tế cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 ban hành là rất kịp thời, thực sự cần thiết. 

Trường hợp người dân khi nhận được những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác hãy nhanh chóng cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, bởi khi tiêm phải trả tiền nên hành vi này có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Bộ luật Hình sự 2015 ( tại Điều 174, Chương XVI). Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 d) Tái phạm nguy hiểm;

 đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

 c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

 c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

"Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân khi được cơ quan điều tra ban hành kết quả điều tra, cơ quan tố tụng sẽ dựa vào mức độ số tiền hoặc hình thức chiếm đoạt sẽ có phương thức xử lý thích đáng, đúng theo quy định của pháp luật.

Do đó, để tránh bị các đối tượng lạm dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mọi công dân cần thực hiện nghiêm những khuyến cáo từ Bộ Y tế, bởi các loại vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19; được cấp phép lưu hành trên cơ sở kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định.

Điều đặc biệt mà người dân cần lưu ý, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo", Luật sư Hoàng Dương phân tích thêm.

Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư TPHà Nội, tại Khoản 13 Điều 2 Luật Dược năm 2016 có quy định: "Vắc-xin là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh". Do đó, với việc tạo ra vắc xin giả, trong đó có vắc-xin giả phòng dịch bệnh COVID-19 thì hành vi có dấu hiệu của tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự, với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội",theo quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Bảo Khánh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến