Cảnh sát Việt Nam với yêu cầu hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm
22/08/2014 11:24:39
Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm ăn ngày càng tăng.

Theo báo cáo khảo sát của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ năm 2008 đến 2012, đã có hơn 24 triệu lượt công dân của 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người nước ngoài đã lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập để vào Việt Nam dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhằm hoạt động phạm tội. Tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đang có xu hướng phức tạp và nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện của nhiều loại tội phạm mới và nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Diễn biến phức tạp và ngày càng có xu hướng gia tăng của tình hình tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có yếu tố nước ngoài trong khu vực, thế giới và ở Việt Nam thời gian qua đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa Chính phủ, lực lượng Cảnh sát các nước.
Trước yêu cầu, đòi hỏi trên, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách về mở rộng quan hệ đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề an ninh, quốc phòng. Thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 1991, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã gia nhập tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol và trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức này. Đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác Cảnh sát qua kênh Interpol với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở rộng khả năng kết nối, trao đổi thông tin phòng, chống các loại tội phạm với Cảnh sát các nước, mở rộng phạm vi trao đổi thông tin thực thi pháp luật.

 
Cảnh sát Việt Nam và Australia phối hợp trong công tác đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, từ năm 1996, với việc gia nhập Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL), với tư cách là thành viên các nước ASEAN, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tích cực và trách nhiệm tham gia khuôn khổ hợp tác quan chức cấp cao về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, diễn đàn cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường quan hệ với các nước đối tác, đối thoại trong các khuôn khổ này như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Nga, Mỹ… theo phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước thông qua đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tôn trọng chủ quyền, độc lập và các bên bình đẳng, cùng có lợi. Đến nay, đã tham gia tất cả các Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống và kiểm soát ma túy; Công ước năm 2000 về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; Công ước năm 2003 về phòng, chống tham nhũng; đang chuẩn bị các thủ tục tham gia Công ước về chống tra tấn... Đã ký kết 23 Hiệp định tương trợ tư pháp với 23 quốc gia, ký Hiệp định dẫn độ với 15 quốc gia và nhiều thỏa thuận phòng, chống tội phạm với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thông qua kênh hợp tác quốc tế Interpol, trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tiếp nhận, xử lý, trao đổi gần 50.000 thông tin tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, trong đó có trên 13.000 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, trên 13.000 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, trên 4.000 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế, gần 3.500 lượt thông tin về tội phạm ma tuý, trên 150 lượt thông tin liên quan đến tội phạm công nghệ cao, gần 400 lượt thông tin liên quan đến tội phạm về môi trường, trên 15.000 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự… Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng Cảnh sát các nước thông qua thực hiện các dự án, tập huấn, trang bị phương tiện, góp phần nâng cao năng lực lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (điển hình là dự án Trung tâm JTCC, dự án COICA…).  Nhiều cán bộ Cảnh sát Việt Nam đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của Cảnh sát quốc tế và khu vực. Ngược lại, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm cũng tăng cường phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, trang bị phương tiện, chia sẻ kinh nghiệm qua việc tổ chức các lớp tập huấn về cho hàng trăm cán bộ Cảnh sát của Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Campuchia, Mozambic…
Thời gian tới, cùng với quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, dự báo tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ có chiều hướng gia tăng. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà sẽ trở thành vấn đề đáng quan tâm của hầu hết các quốc gia, dân tộc, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát các nước nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm Việt Nam nói riêng phải tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm
Theo CAND.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến