“Bóp nghẹt” giao thông
Cơ quan ở quận 1, hàng ngày, anh Trọng (28 tuổi, kiến trúc sư) phải di chuyển bằng xe máy từ nhà (đường Hồ Bá Phấn, quận 9) vào trung tâm TPHCM để làm việc. Ban đầu, anh Trọng chọn lộ trình Xa lộ Hà Nội (qua cầu Sài Gòn) nhưng do thường xuyên bị kẹt xe tại cầu vượt Cát Lái; giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm nên anh quyết định đổi lộ trình, chuyển sang đi đường Mai Chí Thọ qua đường hầm sông Sài Gòn để vào trung tâm quận 1. Tuy nhiên, hướng đi này mấy ngày gần đây cũng bị kẹt cứng vào giờ cao điểm, nhất là đoạn qua đường hầm sông Sài Gòn.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm TPHCM nêm chặt cao ốc. Ảnh: Huy Thịnh
“Xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ đã mở rộng lộ giới từ 80 – 120 m, xe máy có 2 -3 làn để di chuyển nhưng vẫn kẹt xe do cư dân sống tại các cao ốc đổ ra quá đông, không còn đường lưu thông”, anh Trọng cho hay.
Tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, hàng chục cao ốc trên 30 tầng quy mô hàng chục nghìn căn hộ nằm cạnh công trình tuyến metro số 1, trong đó nhiều block chung cư đã hoàn thành, bàn giao cho cư dân. Qua cầu Sài Gòn, càng vào gần trung tâm TPHCM, các cao ốc chọc trời càng dày đặc. Trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, các cao ốc như dự án khu căn hộ cao cấp Saigon Pearl, Sun Wah Pearl, The Manor... với tổng quy mô hơn 20.000 căn hộ.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng ngày, ô tô, xe máy từ các toà nhà đổ ra đường Nguyễn Hữu Cảnh nườm nượp. Taxi, ô tô con nối đuôi đỗ trước toà nhà… gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Trong khi đó lộ trình vào trung tâm TPHCM qua hầm sông Sài Gòn cũng dày đặc cao ốc như khu căn hộ cao cấp Estella, khu chung cư Bình Khánh với quy mô 12.500 căn hộ, khu đô thị cao cấp Sala… chưa kể hàng chục dự án căn hộ thương mại khác đang được thi công dọc đại lộ Mai Chí Thọ…
Tại cửa ngõ phía Nam, khu đô thị Phú Mỹ Hưng từng được xem là thiên đường sống. Ít ai ngờ việc di chuyển từ khu đô thị này vào trung tâm TPHCM hiện nay đang là nỗi ám ảnh của người dân. Góp phần tạo nên bức tranh giao thông méo mó là sự xuất hiện của rất nhiều dự án cao ốc như Park Vista, Sunrise City View, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star... trong đó riêng dự án Sunrise City đã “góp” hơn 10 cao ốc trên đoạn đường khoảng 500 m khiến hạ tầng giao thông của khu vực trở nên chật chội, quá tải.
Đó là chưa kể đến hàng chục khu đô thị lớn nhỏ ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh như Trung Sơn, Sadeco, Intresco 6B, Đại Phúc… thu hút hàng trăm nghìn người đến sinh sống. Điều này khiến các ngả đường còn lại di chuyển về trung tâm chật cứng.
Chỉ tính riêng đường Nguyễn Hữu Thọ, các dự án cao ốc hai bên đường hiện nay đang có khoảng 400.000 dân sinh sống trong các cao ốc, gấp 2 lần dân số quận 4. Đó là chưa kể hàng chục dự án cao ốc đang triển khai. Số lượng dự án quá lớn trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ (từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ) mỗi bên chỉ có một làn ô tô và một làn xe máy nên dù chỉ dài khoảng 2,5 km nhưng để di chuyển qua điểm nóng này vào giờ cao điểm, ô tô phải mất gần 1 giờ mới đến được trung tâm TPHCM.
Quy trình ngược
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao… để làm căn cứ cấp phép xây dựng nhà cao tầng là những chỉ tiêu quy hoạch đã được thành phố lập, thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận các dự án nhà ở cao tầng đang đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà lẽ ra phải làm ngược lại. Đặc thù của các công trình cao tầng là chen vào các khu đất trống, đất xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu dẫn đến quá tải hạ tầng. “Sở Xây dựng cũng đã nhìn thấy vấn đề này nên thời gian tới, để đảm bảo sự kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật tại chỗ, khi xem xét cấp phép, cơ quan chuyên môn sẽ đặt nặng vấn đề kết nối với giao thông, với hạ tầng kỹ thuật”, ông Tuấn cho hay.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết nhiều dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người được cấp phép xây dựng và đưa vào khai thác trong khi hạ tầng kỹ thuật xung quanh, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch nên đã tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng giao thông hiện hữu. Trong hầu hết các dự án, Sở GTVT chỉ tham gia giải quyết tình huống như đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông hạn hữu. Chính việc chạy theo giải quyết tình huống dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khi các dự án đưa vào khai thác, sử dụng.
Gần đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc mới chuyển cho Sở GTVT cho ý kiến về các dự án xây dựng cao ốc, khu dân cư. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong quá trình xây dựng chung cư, Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư bố trí các lối ra vào hợp lý, tránh các giao lộ, để xe ra vào công trường trên phần đất dự án chứ không được đậu ngoài đường. Đối với các công trình tập trung đông người như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, sở đang lấy ý kiến chuyên gia và các sở ngành để xây dựng báo cáo đánh giá tác động giao thông, sau đó trình UBND thành phố thông qua làm tiêu chí để áp dụng cho các dự án xây dựng về sau.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay việc cấp phép xây dựng của TPHCM được thực hiện tràn lan mà nguyên nhân chính là do 3 cơ quan nhà nước gồm Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTVT và Sở Xây dựng chưa phối hợp tốt. Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu nên hạ tầng không theo nổi.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra khi kẹt xe, ách tắc, ngành giao thông lại “nhảy” vào xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn. Đơn cử như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, tuyến metro chưa biết bao giờ mới hoàn thành, đường Nguyễn Hữu Cảnh thì ngập lụt xuống cấp nhưng có rất nhiều dự án xây dựng được cấp phép quanh khu vực này. Các dự án hạ tầng giao thông đều đã có trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện thì nhà cao tầng đã mọc lên, dân cư đổ đến, không quá tải mới là chuyện lạ.
Khi Nhà nước bỏ vốn đầu tư hạ tầng, các dự án, công trình xung quanh hưởng lợi. Ở các nước, nhà đầu tư các dự án phải có nghĩa vụ cùng Nhà nước đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguyên tắc này không được tuân thủ. Đơn cử như dự án tuyến metro số 1 đang triển khai, các doanh nghiệp tranh nhau gom đất xung quanh xây cao ốc để hưởng lợi nhưng trách nhiệm đóng góp cho hạ tầng không ai thực hiện.
Theo Tiền phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy