Dòng sự kiện:
Cao tốc Bắc - Nam: Chuyển đổi từ dự án PPP sang đầu tư công có lợi hơn
17/05/2020 18:36:17
Chính phủ cho rằng việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam từ PPP sang sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ tăng trưởng GDP...

Trình bày báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư nào qua được vòng sơ tuyển.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng. Trong khi đó, việc huy động vốn qua kênh tín dụng trong nước gặp khó khăn do hệ số an toàn (CAR) của các tổ chức tín dụng đã chạm ngưỡng cho phép. Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ không lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư không thể huy động được nguồn vốn tín dụng trong thời gian tới.

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Chưa kể việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện… 

Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Bắc - Nam sau khi được điều chỉnh sang đầu tư công là khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

"Như vậy sẽ giảm khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng đã được phê duyệt tại nghị quyết 52 của Quốc hội. Số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT. 

Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật đầu tư công", VOV dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho thấy vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với Tờ trình của Chính phủ với các lý do việc cấp tín dụng cho các dự án BOT tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Theo dự kiến đến năm 2022 các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ.

Loại ý kiến thứ 2 bày tỏ không tán thành vì chưa báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ lại trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư toàn bộ Dự án sang hình thức đầu tư công là không phù hợp.

Thực tế cho thấy các dự án đầu tư công trong thời gian vừa qua để xảy ra tình trạng thời gian bị kéo dài, đội vốn và chất lượng công trình không bảo đảm, trong khi các dự án của các nhà đầu tư tư nhân có chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban này đồng ý theo hướng trong trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại; đồng thời, bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.

Dù chưa đấu thầu, song báo cáo tại phiên thảo luận, cả Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng khả năng huy động tín dụng của các nhà đầu tư qua sơ tuyển là rất khó khả thi, do đó trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hướng tháo gỡ.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đây là những dự án rất quan trọng và đầu tư theo PPP là chủ trương rất lớn, do đó phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội. Nếu Chính phủ chỉ trình 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết được ngay, rồi tiếp đến có thể xem xét thêm một hai dự án có khó khăn khác, tuy nhiên việc chuyển cùng lúc cả 8 dự án sang hình thức đầu tư công là rất khó, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại “phiên họp 45B” (giữa hai đợt Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội) xem xét, nếu “đủ độ chín” thì mới trình xin ý kiến Quốc hội.

Dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó, 59 trong số 116 dự án BOT do Bộ GTVT và các tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.

Nghiêm trọng hơn, 43 trong số 116 dự án BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng. 

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến