Dòng sự kiện:
Cao tốc Bắc - Nam sẽ không thiếu trạm dừng nghỉ
01/04/2023 06:36:22
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ; trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư.

Thông tin tại cuộc họp giao ban quý I/2023 của Bộ GTVT sáng nay (31/3), ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, để tạo hành lang pháp lý đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ giao thông, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 01/2023 ngày 7/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Cục Đường cao tốc Việt Nam lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị liên quan về mạng trạm dừng nghỉ (vị trí, quy mô…) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

“Theo kết quả rà soát ban đầu, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư. 32 trạm dừng nghỉ còn lại đang được tiến hành thẩm định”, ông Thành thông tin, đồng thời, đề nghị cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương cho ý kiến để trình cấp thẩm quyền phê duyệt mạng lưới trạm dừng nghỉ, tạo cơ sở cho việc phê duyệt đầu tư.

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thông tư liên quan đến đầu tư trạm dừng nghỉ đã được ban hành. Công tác xây dựng mạng trạm dừng nghỉ cần phải làm quyết liệt, đồng bộ để hoàn thiện quy hoạch, tiến tới kêu gọi nhà đầu tư, đấu thầu xây dựng, đảm bảo đường đưa vào khai thác phải có trạm dừng nghỉ.

Trước đó, trong tháng 2/2023, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các ban QLDA và các tư vấn liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, rà soát danh mục, vị trí, quy mô, khu chức năng… các trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam. 

Bên cạnh việc giao Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì, tham mưu Bộ GTVT ban hành quyết định phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, làm cơ sở cho cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT điều chỉnh nội dung về xây dựng trạm dừng nghỉ của các dự án thành phần trên tuyến tại các quyết định đầu tư cho thống nhất, Bộ GTVT cũng giao các ban QLDA thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu lập, trình phê duyệt và công bố danh mục dự án theo quy định pháp luật.

Bộ GTVT tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị giúp ngành GTVT đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 3 tháng đầu năm như: sản lượng vận tải tăng mạnh và tăng đều giữa các lĩnh vực; TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí…

Bộ GTVT tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai Bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Đặc biệt, với giá trị giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai Bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%.

Cho rằng kết quả giải ngân là tương đối tốt, song, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị không được vội mừng.

“Cần phải xác định rõ, giá trị đã giải ngân đạt được đang tập trung phần lớn vào tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Thách thức đặt ra trong tháng 4 và các tháng tiếp theo là chủ đầu tư, nhà thầu phải đổi mới cách làm, tập trung nguồn lực để hoàn ứng và tạo ra khối lượng giải ngân mới, tuyệt đối không được chủ quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành GTVT cũng đề nghị các chủ đầu tư/ban QLDA hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4/2023 theo đúng kế hoạch.

Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các chủ đầu tư/ban QLDA cũng phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

“Nếu không chủ động tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo, các Ban QLDA phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT. Tiền đã có sẵn, yêu cầu là phải tập trung làm, đổi mới cách làm. Các hạng mục quyết định đến tiến độ như: Hầm, cầu phải được ưu tiên GPMB, phạm vi mặt bằng thuận lợi cần được thi công cuốn chiếu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Các tuyến Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6 theo yêu cầu.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành./.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến