Dự án đường cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Với quyết định hủy đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam mà dành “đất diễn” cho nhà đầu tư trong nước của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều ý kiến cho rằng, sự thành bại của dự án phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nội mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm đồng thời phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông.
Tiêu chí nào dành cho nhà đầu tư nội?
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải, về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư.
“Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020. Từ tháng 2/2020, Bộ bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư,” ông Huy cho biết.
Đề cập về năng lực tài chính của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ đó là nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
“Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét lại tiêu chí về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc-Nam,” vị Phó Vụ trưởng PPP khẳng định.
Trả lời về việc nhà đầu tư trong nước trong trường hợp không đủ tiêu chí như đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét, đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... vậy có được phép liên danh với nhà đầu tư nước ngoài không, ông Huy cho rằng, theo quy định của pháp luật về đấu thầu rộng rãi trong nước, chỉ có nhà đầu tư trong nước liên danh được với nhau mà không thể liên danh với nhà đầu tư nước ngoài.
“Nhà đầu tư trong nước tham gia thi công dự án là những nhà đầu tư được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có pháp nhân và trụ sở tại Việt Nam,” ông Huy khẳng định.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dựa vào hành lang pháp lý Nghị quyết 52 của Quốc hội, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng 20% nên Bộ Giao thông Vận tải không thể sửa bởi đã tổ chức thực hiện theo Luật Đấu thầu sẽ không bảo lãnh doanh thu và khoản vay. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu Bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tính toán giảm bớt các tiêu chí kinh nghiệm
Liên quan đến nghi ngại hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam có lo nhà đầu tư khởi kiện, ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, ngay trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP bao gồm cả bản tiếng Việt và tiếng Anh đều đã ghi rõ điều khoản: “Bên mời thầu có quyền hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư mà không phải nêu bất cứ lý do gì.”
“Mỗi bộ hồ sơ sơ tuyển được các Ban Quản lý dự án bán cho các nhà đầu tư quan tâm với giá 10 triệu đồng/bộ. Khi hủy kết quả sơ tuyển, nhà đầu tư phải chịu rủi ro chứ không thể đòi lại tiền đã mua hồ sơ sơ tuyển vì trong hồ sơ đã ghi điều khoản rõ ràng,” ông Hùng cho hay.
Nút thắt về vốn vay
Dưới góc độ của nhà đầu tư hạ tầng giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sẽ là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.
Để triển khai thành công theo hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Thế, Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển so với trước đây.
Đơn cử, đối với tiêu chí về vốn chủ sở hữu chỉ cần xét tổng vốn chủ sở hữu của cả liên danh nhà đầu tư đáp ứng là được, không cần xét đến từng doanh nghiệp trong liên danh đồng thời trong hồ sơ sơ tuyển, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung tiêu chí về năng lực quản lý dự án của các nhà đầu tư,…
“Nếu liên danh, liên kết các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án cao tốc đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết Chính phủ phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay đối với các dự án cao tốc Bắc-Nam,” ông Thế đề cập cao đến sự phối hợp của các tổ chức tín dụng.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ hoàn thành các đoạn, tuyến vào năm 2021. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam)
Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) cho rằng, Công ty đang liên danh với một nhà đầu tư xem xét tham gia dự án nhưng cốt lõi vẫn phải giải quyết bài toán ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - chuyên gia giao thông cho hay, các nhà thầu trong nước sẽ gặp không ít khó khăn về mặt tài chính và kinh nghiệm khi triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam.
Do đó, ông nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt phải liên kết, phối hợp với nhau để giải quyết các bài toàn khó khi thực hiện dự án như nhà đầu tư A có năng lực tài chính có thể liên kết với nhà đầu tư B có năng lực thi công. Khi đó, các nhà đầu tư nội mới có thể tham gia được dự án này.
Thừa nhận việc các nhà đầu tư trong nước sẽ khó vay vốn ngân hàng khi triển khai cao tốc Bắc-Nam, theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo với Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có các biện pháp như nới hạn mức cho vay và có các cách thức huy động vốn cho vay, có cơ chế tháo gỡ vốn cho từng dự án.
“Việc cung cấp vốn tín dụng bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện luật pháp của ngân hàng nhưng vẫn phải xem xét tính khả thi của dự án. Trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công để kết nối các tuyến với nhau, không chỉ định nhà đầu tư,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Theo Vietnam+
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy