Chậm tiến độ khai thác cát cho cao tốc Cần Thơ-Cà Mau
Để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (gồm 2 đoạn là Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau), UBND tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu cho chủ đầu tư và các nhà thầu 7 mỏ cát với trữ lượng dự kiến khoảng 5,7 triệu m3. Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục khai thác cát đang chậm so với nhu cầu của dự án.
Cụ thể, theo ông Trần Văn Thi-Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), để có nguồn cát phục vụ thi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát, vướng mặt bằng.
Riêng năm 2023, tỉnh Đồng Tháp cung ứng cát cho dự án nói trên với tổng khối lượng dự kiến là 3,3 triệu m3. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3; giới thiệu 7 mỏ cát cho nhà thầu thực hiện thủ tục mở mỏ mới, khai thác theo cơ chế đặc thù.
“Ngày 20/9, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ bàn giao mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho Tổng Công ty Xây dựng số 1-CTCP (CC1) trực tiếp lập thủ tục khai thác mỏ để cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau với trữ lượng khoảng 0,547 triệu m3. Đến nay, đã khai thác được khoảng 100.000 m3. Sau thời gian khai thác, nhà thầu báo cáo trữ lượng mỏ có nhiều đất hữu cơ (từ 1-3 m đầu), như vậy không đảm bảo sản lượng như dự kiến ban đầu và chất lượng sẽ ảnh hưởng”, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, có 4 mỏ cát đang trong quá trình thực hiện hoàn thiện những thủ tục khai thác. Cụ thể, mỏ cát trên sông Tiền thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (sản lượng khoảng 0,79 triệu m3) đã được tỉnh Đồng Tháp phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 20/10/2023.
Còn mỏ cát thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (trữ lượng khai thác dự kiến khoảng 0,79 triệu m3); mỏ cát ở xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (trữ lượng khai thác dự kiến khoảng 0,81 triệu m3); mỏ cát thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò (trữ lượng dự kiến khoảng 0,482 triệu m3) đang chờ tỉnh phê duyệt hồ sơ ĐTM.
Tiến độ cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang bị chậm do thiếu cát.
Những thủ tục còn lại cần thực hiện là nộp chi phí thu tiền mặt nước, nộp thuế phí theo quy định, thỏa thuận phương án đảm bảo giao thông thủy… Phấn đấu tất cả các mỏ này sẽ được khai thác trước ngày 20/11/2023.
“Tỉnh Đồng Tháp vừa giao thêm cho nhà thầu 2 mỏ cát mới là: mỏ cát thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự và mỏ cát thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành việc khảo sát, nộp hồ sơ và báo cáo trữ lượng cho Sở Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục thực hiện những thủ tục tiếp theo. Dự kiến tổ chức tiếp nhận khai thác trước ngày 5/12/2023”, giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay dự án chỉ hoàn thành xong thủ tục và khai thác được 1/7 mỏ cát với trữ lượng khoảng 0,547 triệu m3. Việc triển khai các thủ tục trong khai thác cát đang chậm so với nhu cầu của dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Trong khi đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định chỉ được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong 2 năm 2022 và 2023 nên thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ cát cho nhà thầu không còn nhiều.
Mặt bằng qua tỉnh Bạc Liêu vẫn đang bị vướng
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu, hiện tại, trên phạm vi thi công dự án qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn một số vị trí vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân của dự án.
Cụ thể, nhà thầu chưa thể thi công 0,5km trên tuyến chính và 5 vị trí cầu (Cầu Kênh Hai Phát, Cầu Kênh Tư, Cầu vượt nút giao IC8, Cầu Kênh Mới, Cầu Kênh Ba) do vướng mặt bằng của 22 hộ dân còn khiếu nại giá bồi thường hoặc chờ bố trí tái định cư và còn 4/9 vị trí điện trung-hạ thế, 1/3 vị trí đường nước chưa được di dời.
Phạm vi thi công dự án qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn một số vị trí vướng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân của dự án.
Để đảm bảo tiến độ chung của dự án, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu hoàn thành công tác tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Hậu Giang-Cà Mau trong tháng 11/2023.
Theo Bộ GTVT, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Bạc Liêu, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực với 100% diện tích mặt bằng (7,7km đi qua địa phương) đã được bàn giao; trong đó phạm vi mặt bằng có thể thi công được khoảng 7,2/7,7km, đạt 94%.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng đã ưu tiên giải phóng mặt bằng các vị trí có công trình cầu, đường công vụ và đường tiếp cận thi công các cầu, cơ bản đáp ứng công tác tổ chức thi công của các nhà thầu.
Để chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt trên toàn bộ dự án, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung hoàn thành việc bố trí tái định cư (tại các khu có sẵn hoặc phân tán) cho 18 hộ dân có nhu cầu; sớm giải quyết dứt điểm việc khiếu nại về giá bồi thường của 4 hộ dân; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 11/2023.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu sớm giải quyết dứt điểm việc khiếu nại về giá bồi thường; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 11/2023.
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Hậu Giang-Cà Mau có tổng chiều dài tuyến chính hơn 73km và gần 17km tuyến nối. Trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng hơn 26km; tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7km; tỉnh Kiên Giang khoảng hơn 17km và qua địa phận tỉnh Cà Mau gần 22km tuyến chính, hơn 16km tuyến nối.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 17m. Tổng mức đầu tư hơn 17.100 tỷ đồng. Dự án được ấn định thời gian hoàn thành vào cuối năm 2025.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trong khai thác cát phục vụ cao tốc.
Ông Phạm Thiện Nghĩa lưu ý các đơn vị do việc khai thác được thực hiện theo cơ chế đặc thù nên thủ tục cần xử lý song song các bước để rút ngắn thời gian hoàn thành với điều kiện không bỏ sót những quy trình đã được rút gọn và phải đảm bảo an toàn về tính pháp lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm siết chặt công tác quản lý việc khai thác cát nhằm đảm bảo nguồn cát được cung cấp đúng khối lượng, địa chỉ và thời gian.
Tác giả: Phi Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy