Trong thủ tục mang tính nghi thức, 9 đại diện được Hạ viện chỉ định đã đi bộ sang khu vực Thượng viện tại Điện Capitol để chuyển cáo trạng luận tội cho thư ký Thượng viện, theo Reuters.
Chín người này sẽ đóng vai trò công tố viên trong phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump do Thượng viện tổ chức. Phiên tòa dự kiến bắt đầu vào ngày 9/2.
Chín đại diện được Hạ viện Mỹ chỉ định chuyển cáo trạng luận tội ông Trump cho Thượng viện hôm 25/1. Ảnh: Reuters.
100 thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử mà kết quả có thể đặt dấu chấm hết cho tham vọng tái tranh cử tổng thống của ông Trump.
Hạ viện đã thông qua cáo trạng luận tội ông Trump hôm 13/1, với điều khoản duy nhất cáo buộc ông kích động nổi loạn trong vụ người ủng hộ ông tấn công Điện Capitol ngày 6/1. Mười hạ nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phe Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu này.
Để có thể kết tội ông Trump trong phiên tòa sắp tới, phe Dân chủ tại Thượng viện cần có ít nhất 17 phiếu ủng hộ từ phe Cộng hòa. Hiện Thượng viện được phân chia theo tỷ lệ 50-50 giữa hai đảng.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy, thành viên phục vụ lâu nhất tại Thượng viện, hôm 25/1 cho biết ông sẽ là chủ tọa của phiên tòa. Bước vào cơ quan lập pháp này từ năm 1974, ông Leahy, 80 tuổi, đang giữ chức chủ tịch Thượng viện lâm thời.
Dù hiến pháp Mỹ quy định chánh án Tòa án Tối cao là người chủ trì phiên tòa luận tội tổng thống, một thượng nghị sĩ sẽ làm chủ tọa khi người bị luận tội không còn là tổng thống, một nguồn tin cho hay.
Chánh án John Roberts từng làm chủ tọa trong phiên tòa đầu tiên luận tội ông Trump vào tháng 2/2020, và tuyên bố trắng án cho tổng thống Mỹ thứ 45. Khi đó, ông Trump bị Hạ viện cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội, xuất phát từ việc ông yêu cầu Ukraine điều tra Tổng thống Joe Biden và con trai ông.
Ông Leahy sẽ vẫn có thể bỏ phiếu trong phiên tòa, một trợ lý cho biết, lưu ý rằng các thượng nghị sĩ vẫn được bỏ phiếu về mọi vấn đề trong lúc đóng vai trò chủ tọa.
Một số đảng viên Cộng hòa đã đặt câu hỏi về sự sắp xếp này. "Làm thế nào mà một thượng nghị sĩ vừa làm chủ tọa, như một thẩm phán, vừa làm bồi thẩm?", Thượng nghị sĩ John Cornyn nói trên Twitter.
Nhiều thành viên đảng này cũng đã phản đối việc xét xử ông Trump, trong đó một số người cho rằng việc tổ chức phiên tòa luận tội lúc này là vi hiến vì ông Trump không còn là tổng thống nữa.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, phe Dân chủ, đã bác bỏ lập luận đó.
"Quan điểm rằng Thượng viện không thể xét xử các cựu quan chức sẽ tương đương tấm thẻ miễn tù hiến định cho bất kỳ tổng thống nào", ông Schumer nói trước Thượng viện.
Ông Trump là tổng thống Mỹ duy nhất đã bị Hạ viện luận tội hai lần và sẽ trở thành người đầu tiên phải ra tòa sau khi rời nhiệm sở. Ông kết thúc nhiệm kỳ bốn năm hôm 20/1.
Tác giả: Đông Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy