Dòng sự kiện:
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lo chưa thực chất
01/08/2018 09:57:17
Ngày 31/7, Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018” đã diễn ra tại Hà Nội

Bản báo cáo phát đi từ sự kiện này nhìn nhận đây là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc “biến lời nói thành hành động”.

Ảnh minh họa

Theo Báo cáo được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 năm qua, có thể nhìn thấy rất rõ một xu hướng chung là thể chế kinh tế đang ngày càng theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ. Đây là dòng chảy xuyên suốt trong chính sách kinh tế của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Tình trạng nói trên càng có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2018, với khá nhiều các văn bản pháp luật đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các văn bản ở cấp nghị định.

Đây là những vấn đề đã được các bộ, ngành xác định từ những năm trước, đã có kế hoạch và đưa ra dự thảo để lấy ý kiến từ đầu năm 2017, đến đầu năm 2018 ban hành. Nói một cách lạc quan, có thể coi 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên của việc “biến lời nói thành hành động”.

Biểu hiện bên ngoài, đó có thể là những hành động “tấn công trực diện” vào những rào càn với các hoạt động của doanh nghiệp: các điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, hay quyền tự chủ, tự do kinh doanh...

Đó cũng có thể là hành động nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, đáng tin cậy và được bảo vệ bởi công lý thông qua việc minh bạch hóa các bản án của Tòa án trong các vụ tranh chấp liên quan tới hoạt động kinh doanh…

Tuy nhiên khi bàn đến tính thực chất của hoạt động này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề: Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc rà soát pháp luật; điều chỉnh và cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, song các con số cắt giảm liệu có thực chất hay không, khi còn nhiều đề xuất được đưa ra chưa thực sự có tính cắt giảm; hay chỉ mới có vài điểm nhỏ trong điều kiện kinh doanh được điều chỉnh, thay vì bãi bỏ hoàn toàn.

“Đây thực sự là điều đáng suy nghĩ!”, ông Lộc trăn trở.

Theo Chủ tịch VCCI, mỗi năm các cơ quan Nhà nước, Trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 Nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là Thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.

 “Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng đã có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Báo cáo của VCCI thì đánh giá: Chính phủ đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, dường như việc chuyển các quan điểm này thành quy định pháp luật cụ thể còn khá hạn chế. Lý do chính được cho là nằm ở sự chủ động hay không của các Bộ ngành, những cơ quan chịu trách nhiệm chắp bút trực tiếp cho các quy định pháp luật.

Phân tích sâu hơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, tuy các Bộ, ngành nhìn chung đã hoàn thành việc rà soát, cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh nhưng quy trình cắt giảm vẫn còn nhiều vấn đề. Dù số lượng văn bản, điều kiện kinh doanh được cắt giảm có thể nhiều nhưng chất lượng lại chưa được bao nhiêu.

“Tại một số bộ, ngành, xu hướng và góc nhìn còn bị giới hạn. Đó là giới hạn trong phạm vi văn bản được rà soát, giới hạn trong phạm vi ngành nghề được rà soát, chỉ rà soát kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh mà không kiến nghị bỏ cả ngành nghề đó. Hay như với một số điều kiện cùng tính chất nhưng quan điểm của các bộ lại khác nhau”, ông Tuấn phân tích.

Để hoạt động rà soát, điều chỉnh các điều kiện đầu tư, kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, VCCI khuyến nghị cần tăng cường sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra...

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến