Sóng ngành có bản chất là luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành ở các giai đoạn khác nhau. Năm 2021 vừa rồi ghi nhận thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều đợt "sóng ngành".
Chiến lược đầu tư vào nhóm ngành đã xuất hiện từ lâu nhưng năm 2021 và đầu năm 2022 mới thực sự trở nên đậm nét khi hàng loạt ngành hút được dòng tiền lớn từ thị trường chứng khoán.
Năm của nhiều đợt sóng
Năm vừa rồi có lẽ là khoảng thời gian mang lại nhiều cảm xúc đối với những nhà đầu tư ưa thích và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng. Nửa đầu năm, nhiều nhà đầu tư thắng đậm khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá mạnh vượt cả VN-Index.
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm lại ngậm ngùi nhìn cổ phiếu ngành khác tăng. Những lo ngại về nợ xấu, chất lượng tài sản sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được xem là rào cản khiến nhóm cổ phiếu này chỉ đi ngang, thậm chí sụt giảm kể từ mức đỉnh tháng 6.
Cổ phiếu ngành thép cũng trải qua đợt sóng tương tự khi dòng tiền lớn không ngừng chảy vào. Các công ty ngành thép ghi nhận lãi kỷ lục và tăng bằng lần so với cùng kỳ nhờ hưởng lợi từ giá thép tăng phi mã.
Cổ phiếu thép trở thành tâm điểm của dòng tiền, liên tục phá đỉnh lịch sử trong 3 quý đầu năm 2021. Tuy nhiên, dòng tiền cũng luân chuyển sang nhóm khác trong quý cuối năm.
Chiến lược đầu tư vào nhóm ngành đã xuất hiện từ lâu nhưng năm 2021 và đầu năm 2022 mới thực sự trở nên đậm nét khi hàng loạt ngành hút được dòng tiền lớn từ thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu ngành chứng khoán tăng gần như xuyên suốt cả năm do hưởng lợi trực tiếp từ sự sôi động của thị trường chung. Hàng loạt công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục hơn nghìn tỷ đồng và mở rộng nhanh quy mô hoạt động. Nhiều công ty chứng khoán như SSI, VNDirect huy động vốn ngang ngửa các ngân hàng tầm trung. Cổ phiếu các đơn vị đầu ngành tăng bằng lần như SSI, HCM, VCI, VND…
Và còn rất nhiều sóng ngành từng diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Cổ phiếu ngành dược cũng nhiều lần "dậy sóng" bởi các thông tin liên quan về nhập khẩu vắc-xin cũng như nhu cầu về thuốc điều trị Covid-19.
Giá cước vận tải quốc tế tăng phi mã và tình trạng thiếu hụt container rỗng cũng giúp cổ phiếu cảng biển tạo sóng lớn trong quý III/2021. Kết quả kinh doanh hồi phục mạnh và triển vọng tăng trưởng cao là động lực giúp cổ phiếu các doanh nghiệp cảng tăng nhanh.
Bất động sản, xây dựng cũng là những cổ phiếu hút tiền trong quý cuối năm sau thời gian dài im ắng. Mặt bằng giá thấp hơn tương đối, hiệu ứng từ đấu giá đất Thủ Thiêm hay việc nhiều dự án khởi động lại… xúc tác cho nhóm này dậy sóng cuối năm. Nhiều mã chứng khoán tăng vài lần chỉ trong thời gian ngắn, nếu không cũng tăng trần nhiều phiên với thanh khoản cao đột biến như: SDA, HTN, LIC, CEO, DIG, HBC…
Nhiều yếu tố tạo "sóng ngành" chứng khoán
Trao đổi với Người đưa tin, ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến sự bùng phát "sóng ngành" chứng khoán trong năm 2021 và đầu năm 2022.
Đầu tiên, môi trường lãi suất thấp đã giúp các kênh đầu tư như chứng khoán thu hút dòng tiền tham gia mạnh mẽ, từ đó phát sinh nhu cầu tìm kiếm các chủ đề đầu tư trên thị trường và hình thành các cơn sóng cổ phiếu tại nhiều nhóm ngành.
Thứ hai, năm 2021 cũng là thời điểm thị trường được hưởng lợi từ nhiều câu chuyện vĩ mô và các yếu tố tác động khác, trong đó một số câu chuyện trọng điểm có thể kể tới như: kỳ vọng về sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, các gói hỗ trợ kinh tế của Chính Phủ và áp lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chính sách môi trường của Trung Quốc cũng như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo ra sự tăng giá bất thường tại nhiều nhóm hàng hoá, từ đó mở ra các cơ hội đầu tư trên thị trường.
"Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thanh khoản trong năm nay cũng là yếu tố hỗ trợ tâm lý giúp nhiều cổ phiếu của các công ty tài chính tăng giá" - ông Khoa cho hay.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đồng tình và cho rằng yếu tố vĩ mô chiếm từ 60-70% tỉ trọng hình thành "sóng ngành" chứng khoán. "Đơn cử, có thể kể đến năm 2021 vừa rồi, nhóm cổ phiếu thép được hưởng lợi bởi nhờ nhu cầu thép trên thế giới tăng mạnh và yếu tố về đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung thép bị sụt giảm. Điều này đẩy giá thép tăng" - ông cho hay.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng yếu tố vĩ mô chiếm từ 60-70% tỉ trọng hình thành "sóng ngành" chứng khoán.
Ngoài ra, ông Minh cũng nhấn mạnh yếu tố đầu cơ của các nhà đầu tư vào một nhóm cổ phiếu nhất định trên thị trường. Ông cho biết, năm vừa rồi cổ phiếu bất động sản đã tạo sóng nhờ các yếu tố liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công. "Yếu tố này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các đợt tăng mạnh trong tương lai, tuy nhiên, sóng ngành lại chỉ diễn ra trong thời gian nhất định" - ông Minh cho biết thêm.
Cẩn thận khi "đu sóng ngành"
Giám đốc Phân tích Chứng khoán Agribank Nguyễn Anh Khoa chỉ ra 3 rủi ro khi đầu tư theo "sóng ngành".
Đầu tiên, có nhiều ngành chỉ được hưởng lợi từ các câu chuyện tăng giá trong một thời gian ngắn và sẽ là rủi ro khi nhà đầu tư mua vào ở mức giá cao. Đơn cử như "sóng ngành" thép trong quý II/2021 khi giá thép trên thị trường quốc tế lập đỉnh, tuy nhiên sau đó lại đảo chiều khá mạnh khi bước vào quý III. Trong các giai đoạn như đã nêu trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp thường tăng cao và khiến mặt bằng định giá trở nên hấp dẫn, tuy nhiên khi mọi thứ trở lại với trạng thái bình thường thì điều này sẽ không còn hợp lý.
Tiếp theo, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng các cơn "sóng ngành" có thể tạo ra hiện tượng "nước lên thì bèo lên". "Sẽ có nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh nhưng lại không gắn với việc nội tại của doanh nghiệp có sự cải thiện" - ông nói. Ông cho biết việc giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản kém tại mức giá cao hơn nhiều so với định giá có thể sẽ sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư khi xuất hiện tượng đảo chiều mạnh.
Nguyễn Anh Khoa cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến sự bùng phát "sóng ngành" chứng khoán trong năm 2021 và đầu năm 2022.
Cuối cùng, giám đốc Phân tích Chứng khoán Agribank đánh giá nhiều cổ phiếu đã có giá chạy trước mặt bằng lợi nhuận và thể hiện hết các kỳ vọng về câu chuyện vĩ mô tác động lên cả ngành. "Trong trường hợp nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu giá đã tăng mạnh tuy nhiên kết quả kinh doanh vẫn đang thua lỗ hoặc không có sự cải thiện sẽ rất rủi ro" - ông Khoa chỉ ra.
"Warren Buffett từng ví von rằng chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo, tức khi dòng tiền rút đi và luân chuyển sang nhóm ngành khác thì nhà đầu tư có thể sẽ chịu thiệt hại lớn" - ông Khoa nói thêm.
Ông Khoa cho rằng việc mua theo "sóng ngành" vẫn là cơ hội, tuy nhiên sẽ chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có khả năng nhìn ra câu chuyện đầu tư từ sớm cũng như có kiến thức cơ bản về vĩ mô, dòng tiền và định giá.
"Đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, việc đu theo sóng ngành sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó chỉ nên ưu tiên mua đối với những cổ phiếu đầu ngành, có kết quả kinh doanh tăng trưởng đã được chứng minh qua các năm" - ông Nguyễn Anh Khoa nhấn mạnh.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy