Dòng sự kiện:
Câu chuyện về chiếc ống nhòm kỷ vật của đồng chí Lê Văn Lương
26/08/2014 09:30:25
(ANTT.vn) - Hơn nửa thập kỷ lưu giữ, chiếc ống nhòm, một kỷ vật lịch sử gắn liền với hành trình cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng đã được người thân hiến tặng cho Ban chỉ đạo Sưu tầm kỷ vật CAND ...

Theo chân đồng chí Nguyễn Bá Quang, cán bộ Văn phòng Ban tổ chức Sưu tầm kỷ vật lịch sử  CAND, chúng tôi đến số 195 Đội Cấn, gặp gỡ  Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, phu nhân  đồng chí Lê Văn Lương để tìm hiểu về câu chuyện đằng sau chiếc ống nhòm kỷ vật bà  hiến tặng bảo tàng từ những ngày đầu tiên phát động.


 
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận giữ lại nhiều bức ảnh kỷ niệm, bởi bà quan niệm “giữ ảnh làm lưu niệm là lưu giữ lại cuộc đời hoạt động” ( Ảnh Kiều Chinh)


Theo lời Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, vào những năm 1952 - 1953 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có những chuyển biến quan trọng, Đảng chủ trương đẩy nhanh kháng chiến và chuẩn bị tổng phản công. Lúc này tại chiến khu Việt Bắc, đồng chí Lê Văn Lương đang là Bí thư Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng được người bạn thân của mình là đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an tặng một chiếc ống nhòm. Trong những năm tháng hoạt động tại đây, đồng chí Lê Văn Lương đã sử dụng chiếc ống nhòm phục vụ công tác quan sát.

Chiếc ống nhòm được làm bằng kim loại màu đen, cấu tạo gồm 1 kính hội tụ, thị kính là thấu kính phân kỳ mang nhãn hiệu Dienstglas III- 62, 6x30, NVA, 2495264,  từ đó đã trở thành vật “bất ly thân” của đồng chí Lê Văn Lương. Đến thời kỳ kháng chiễn chống Mỹ ông vẫn luôn mang chiếc ống nhòm bên mình.

“Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chiếc ống nhòm giúp anh Lương quan sát tình hình bên kia vỹ tuyến 17, đánh giá bao quát tình hình quân địch bố trí lực lượng, quan sát đời sống của nhân dân trong ấp chiến lược sau vùng phi quân sự, quan sát đảo Cồn Cỏ để tìm hiểu việc chuyển vũ khí và lương thực vào miền Nam qua đường biển”. Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận kể lại.

Theo bảo vệ  đồng chí Lê Văn Lương mỗi khi ông đi công tác là cận vệ Hoàng Đình Thám, suốt 16 năm từ 1966 -1982 ngoài việc bảo vệ cấp trên, cận vệ Hoàng Đình Thám còn là người giữ chiếc ống nhòm cho ông.
 


Đoàn cán bộ đi khảo sát mặt trận chuẩn bị tổng tiến công năm 1975 ( Đồng chí Lê Văn Lương và Lê Hữu Thọ đứng ở giữa)


“Những năm tháng chiến sự ác liệt đó, đồng chí Lê Văn Lương đi công tác liên tục và địa phương anh đến nhiều nhất đó là ba tỉnh quân khu IV: Thanh Hóa- Nghệ An- Quảng Trị, anh thường  tranh thủ những ngày lễ, tết, hai bên ngừng bắn đi động viên tinh thần chiến sĩ, qua những nơi bị bom oanh tạc anh sử dụng ống nhòm để quan sát”, đại tá Thám kể lại.

Trước khi ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, quân đội Mỹ đã bội ước và ném bom B52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Tại Hà Nội, ở những địa điểm như Yên Phụ, Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ, Bạch Mai hầu như bị phá hủy hoàn toàn, khi nhận được tin báo, ngay lập tức đồng chí Lê Văn Lương đi  đến những địa điểm bị bom tàn phá để xem xét tình hình. “Khi đó khói còn nghi ngút, khung cảnh hoang tàn, thương tâm, trong cuộc oanh tạc của B52 nhiều nơi không thể đến gần anh cũng sử dụng chiếc ống nhòm để nhìn được cụ thể hơn những khu vực ở xa, mặc dù tuổi cao nhưng anh luôn có mặt kịp thời”.

Đồng chí Lê Văn Lương cũng dùng chiếc ống nhòm khi đi khảo sát mặt trận cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Đồng Sỹ Nguyên, Đinh Đức Thiện… Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975.
 


Sau 60 năm chiếc ống nhòm vẫn còn sử dụng được ( Ảnh Kiều Chinh)

Chiếc ống nhòm sau này đã được đồng chí Lương và gia đình cất giữ làm vật kỷ niệm,  Sau khi mất đồng chí để lại chiếc ống nhòm này cho vợ là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận.

Sau 60 năm chiếc ống nhòm vẫn còn sáng rõ, sử dụng tốt bởi ngày ngày được giữ gìn và vệ sinh đúng cách bởi đôi tay của Đại Tá Bích Thuận, bà chia sẻ:  “Chiếc ống nhòm là minh chứng lịch sử đã giúp anh Lương trong mỗi chuyến công tác và cũng là minh chứng cho tình bạn thân thiết của anh  Lương và anh Hoàn, tôi mong những kỷ vật lịch sử như thế này sẽ được lưu giữ lâu bền cho các thế hệ mai sau hiểu được giá trị quý giá của những kỷ vật này”.

Kiều Chinh
 
 
 
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến