Dòng sự kiện:
Câu chuyện về một nữ trinh sát đặc biệt
28/04/2015 17:22:10
Vào ngành Công an từ năm mười ba tuổi. Mười lăm tuổi trở thành một trong những nữ trinh sát đặc biệt trẻ nhất của miền Bắc hăng hái vào chi viện cho chiến trường miền Nam suốt sáu năm liền...
Vào ngành Công an từ năm mười ba tuổi. Mười lăm tuổi trở thành một trong những nữ trinh sát đặc biệt trẻ nhất của miền Bắc hăng hái vào chi viện cho chiến trường miền Nam suốt sáu năm liền, Thượng tá Nguyễn Thị Minh luôn một lòng giữ vững niềm tin vào Đảng, vào sự nghiệp tất thắng của cách mạng. Nay đã ở tuổi lục thập, người phụ nữ kể lại với tôi về những ký ức gian khổ nhưng hào hùng năm xưa.

chien-tranh-dien-ra-ac-liet

Năm 1974, thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt (nguồn: Internet)

Khóa học trinh sát đặc biệt

Năm 1966, trước tình hình đất nước, nhận định là Mỹ có thể sẽ đánh ra miền Bắc, đồng chí Mười Hương, nguyên Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, phụ trách công tác tình báo của Sài Gòn lúc bấy giờ đã được Bác Hồ giao cho việc chuẩn bị một lực lượng nữ trinh sát cắm chốt ở miền Bắc. Và khóa học nữ trinh sát đặc biệt ra đời với cái tên được ký hiệu là “Trường Y”.
Đây là một khóa học bí mật trong hai năm, chỉ tuyển nữ, gồm 60 người chia làm 3 lớp, mỗi lớp học ở 3 địa điểm hoàn toàn khác nhau và không bao giờ được gặp nhau. Dù học viên của trường chỉ ở trong độ tuổi từ 12-15, họ được học rất nhiều lĩnh vực, từ công tác điện báo, các hoạt động nghiệp vụ của ngành Công an, học bơi, bắn súng, học trinh sát, hóa trang…Một điều đặc biệt nữa là mỗi người phải tuyệt đối giữ bí mật hoàn toàn về lý lịch của mình, không ai được kể cho bạn bè nghe chuyện nhà mình ở đâu, như thế nào…
Số trinh sát đặc biệt này được tuyển chọn xuất thân từ những gia đình bình thường, không có liên quan đến cán bộ cách mạng ở địa phương. Sinh năm 1953 tại Hà Nội, cô bé xinh đẹp Nguyễn Thị Minh được chọn tham gia khóa học nữ trinh sát đặc biệt ấy, khi mới mười ba tuổi. Ngoài công tác tình báo, cách sử dụng điện đài, họ còn được học cách sửa máy móc, tất cả những nghề hợp pháp ở trong lòng địch. Lớp học kéo dài trong hai năm nhưng do điều kiện chiến tranh nên phải sơ tán nhiều nơi, khi thì ở Thanh Oai, khi lên Lào Cai, lúc lại về Ứng Hòa,…

Vào một ngày mùa đông năm 1968, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn thời bấy giờ đã quyết định cử khoảng mười nữ học viên của khóa học đặc biệt phái vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nguyễn Thị Minh là một trong bốn học viên của lớp được chọn đi chiến trường miền Trung. Minh được về thăm nhà hai tiếng và chuẩn bị trước khi lên đường. Trước thông tin con gái là một trong những học viên xuất sắc được cử vào Nam công tác khiến bố mẹ Minh hết sức vui lòng, ủng hộ…

“Thời điểm ấy khí thế cách mạng sục sôi, bản thân mình mặc dù lúc đó ít tuổi, còn hồn nhiên lắm, chưa nghĩ được những khó khăn, gian khổ phía trước nhưng vẫn mong muốn được tình nguyện đóng góp sức lực của mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước”. – Nguyễn Thị Minh tâm sự.
Sau hai tiếng về thăm nhà, đoàn của Minh được đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn dẫn đến trao cho đồng chí Trương Công Thuận, UVTW, Phó Bí thư Khu ủy Khu V lúc bấy giờ. Với mục đích là nếu có điều kiện thì sẽ bố trí hoạt động ở nội thành , tuy nhiên cuối năm 1968 phản ứng của địch ác liệt quá, việc bố trí lực lượng nữ này là hợp pháp hoạt động trong lòng địch là nguy hiểm nên Minh và các đồng đội đã được đưa lên căn cứ ở vùng Quảng Nam – Đà Nẵng.

Giữ vững mạch máu thông tin liên lạc

Được đi ô tô cùng đoàn của đồng chí Trương Công Thuận nhưng để đảm bảo an toàn, xe chủ yếu đi vào ban đêm, vừa đi vừa nghỉ nên đúng một tuần sau thì đoàn mới vào đến chỗ làm việc, là Trung tâm thông tin của Khu Ủy Khu V. Đây là Trung tâm thông tin liên lạc của cả miền Trung, có nhiệm vụ kết nối, liên lạc giữa TW, Khu Ủy vào các địa phương. Khi lãnh đạo Khu ủy muốn chỉ đạo cho địa phương hoặc xin chỉ thị của TW, nhiệm vụ của họ là dùng tín hiệu để chuyển thông tin ấy từ Khu Ủy đến các địa phương, hoặc từ Khu ủy ra TW,… bất cứ lúc nào có thông tin thì phải làm việc, không kể ngày hay đêm.

Thời gian diễn ra các chiến dịch, họ còn phải làm xuyên ngày đêm, không được nghỉ ngơi một phút nào. Chị chia sẻ: “Thông tin liên lạc được ví như mạch máu trong cơ thể, nghề thông tin liên lạc như là việc đảm bảo thông suốt các mạch máu, giúp thông tin xuyên suốt từ cơ quan đầu não đến các địa phương, từ địa phương này đến địa phương khác…”.

Việc duy trì thông tin liên lạc rất quan trọng, toàn bộ chỉ đạo của TW, việc các Khu ủy, địa phương xin chỉ thị đánh ở đâu, hay việc TW chỉ đạo các địa phương đánh như thế nào, các chiến dịch triển khai cụ thể ra sao…đều phải qua thông tin liên lạc. Đây cũng là nghề nguy hiểm, đặc biệt, khi sóng điện đài được phát lên, rất dễ bị địch phát hiện, khi chúng định vị được thì sẽ thả bom B52, pháo và ra sức bắn phá. Chính vì thế, địa điểm làm việc của Trung tâm thông tin liên lạc phải di chuyển, thay đổi liên tục để đảm bảo an toàn.

Nhiệm vụ trực tiếp của nữ trinh sát Nguyễn Thị Minh là thường xuyên đi theo đồng chí Võ Chí Công (lúc bấy giờ là Bí thu Khu ủy Khu V) chỉ đạo các chiến dịch. Chị còn nhớ rất rõ những lần đi theo bác Võ Chí Công phải chạy qua bãi đất trống, máy bay địch thì lượn lờ trên đầu tìm mục tiêu, chỉ cần thấy bóng người là ném bom, vậy mà có những lúc các chị còn phải vác cả máy điện đài to tướng bên người…

Thời gian vào chiến trường miền Trung ác liệt, được ví như chảo lửa, gian khổ, thiếu thốn đủ đường khiến Minh bị sốt rét liên tục. Gạo không có mà ăn phải  ăn bo bo, sắn, rau tàu bay qua bữa, chỉ có hai bộ quần áo để thay đổi… Công việc vất vả, sinh hoạt khó khăn như vậy nhưng tinh thần khí thế cách mạng trong chị bừng cháy, luôn cảm thấy vui tươi, yêu đời. Có lúc đói quá, các chị chỉ ao ước có một bát cơm trắng bình thường, nước mắt trào ra nhưng miệng các cô vẫn mỉm cười động viên nhau.

Tâm sự về những kí ức chiến tranh, chị Nguyễn Thị Minh hồi tưởng lại bao nhiêu khoảnh khắc khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất anh dũng, hào hùng: “Nhiều lúc bọn mình đang đào hầm, tiếng pháo của địch quen đến nỗi, chỉ cần nghe thôi là biết nó sẽ ném hướng nào để tránh. Nhưng cũng có khi pháo chỉ cần cách mình mấy mét, vậy mà vẫn sống, chiến đấu”.

Mới 15-16 tuổi đầu, thiếu nữ Hà Nội nhỏ bé , chân tay yếu mềm trước lúc được cử vào Nam không có thời gian luyện tập thể lực, tập đeo gạch, nên những lúc phải hành quân trên đường Minh “đeo ba lô không nổi”. Có lần vượt qua sông Bến Hải, bình thường do người nhỏ, sức yếu, cô đeo ba lô nặng cả chục kilogram đã khó, qua sông thì càng khó hơn, mệt không bước nổi nữa nên bác Trương Công Thuận phải nhận Minh là con gái rồi nhờ một đồng chí giao liên đeo hộ ba lô vượt sông…Rồi có những lần hành quân, gặp mưa rừng, lũ dữ, bộ đội phải buộc dây dù vào người để không bị lũ cuốn trôi.

Biền biệt nhiều năm trời xa gia đình khi còn ở cái tuổi chưa biết lo biết nghĩ nên Minh và đồng đội nhớ nhà lắm, nhiều đêm nằm ngủ nước mắt cứ chảy ướt đẫm cả gối. Rồi dù có viết thư về nhà đến 6 tháng 1 năm may ra mới nhận được một cái thư hồi âm. Nhiều lúc nhận được thư của gia đình rất mừng nhưng thư gửi ra thì là thư gửi từ năm ngoái.

Năm 1974, thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt, sắp đến thời khắc diễn ra giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng do sức khỏe yếu nên chị được đưa trở lại miền Bắc chữa bệnh và đi học. Tốt nghiệp Đại học An ninh, chị về công tác ở Công an quận Đống Đa, làm Đội phó Đội An ninh cho đến lúc nghỉ hưu. Chồng chị là người đồng đội cùng công tác  ở Khu ủy Khu V từ năm 1968.

Tình yêu của họ nảy nở trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt, họ cứ thế bên nhau, yêu và chờ đợi nhau. Đến tận mười năm sau – năm 1978, lễ cưới được tổ chức. Nay chị có con trai đầu vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở Mỹ, con trai thứ  hai là thạc sỹ kinh tế Hà Lan…

Quỳnh Vinh ( trích từ cuốn Những ngày ở chiến trường – NXB CAND)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến