Cây gậy và củ cà rốt
26/12/2015 12:05:15
Muốn nhận ra những chuyển động của tỷ giá năm 2016 có lẽ phải lùi ra phía sau, đứng ở một khoảng trống của thị trường, nhâm nhi tách trà hay ly cà phê và quan sát động thái của các chủ thể, những nhà tạo lập, những định chế có quan hệ lợi ích mật thiết đến sự thay đổi giá trị của đồng tiền Việt so với đô la Mỹ.

Tin liên quan

Tỷ giá đang chịu sức ép không chỉ của cung cầu, mà còn của yếu tố tâm lý thị trường. Nếu yếu tố tâm lý được giải tỏa, sức ép sẽ giảm đi nhiều. Ảnh: TUỆ DOANH

Ai lợi, ai thiệt?

Kể từ ngày 18-12-2015 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lãi suất tiền gửi ngoại tệ của dân cư về mức 0%/năm. Cụ thể nếu bạn có 1.000 đô la Mỹ mang gửi ngân hàng, bạn sẽ chẳng nhận được đồng lãi nào dù để kỳ hạn 1 ngày hay 3-5 năm. Ngân hàng làm nhiệm vụ giữ hộ tiền cho bạn và chỉ thế.

Nếu cùng số tiền đó bạn gửi trước ngày nói trên, bạn còn được hưởng 0,25%/năm lãi suất. Nếu gửi từ đầu năm nay, giả sử với kỳ hạn ba năm, bạn còn được hưởng 0,75%/năm tiền lời. Còn nếu bạn gửi kỳ hạn 10 năm, thí dụ, từ năm 2010, bạn đã có thể hưởng lợi 5%/năm.

Lãi suất càng giảm, bạn càng chịu thiệt thòi, nhưng sự thiệt thòi ấy không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, bạn thiệt thì chắc chắn ai đó phải được lợi. Người được hưởng lợi trực tiếp là ngân hàng nơi bạn gửi tiền. Từ trước đến nay ngân hàng phải trả lãi cho người gửi, nay ngân hàng không phải trả đồng lãi nào, nhưng vẫn có vốn để kinh doanh. Tự nhiên, giá thành đồng vốn huy động của ngân hàng giảm đi, lợi nhuận ngân hàng tăng lên. Lợi nhuận chỉ không tăng trong trường hợp ngân hàng giảm lãi suất đầu ra cho người vay, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ngân hàng nào tuyên bố hạ lãi suất tín dụng ngoại tệ cả.

Bạn tự hỏi thế thì vô lý quá. Nếu tôi gửi tiền không có lãi, thì người vay phải được giảm lãi, để họ hạ giá thành sản xuất, họ bán hàng rẻ hơn và tôi có thể mua được hàng hóa giá rẻ hơn. Cái sự có lợi phải xoay vòng như thế để mọi người cùng được hưởng, đằng này chỉ ngân hàng hưởng là sao?

Một mặt dùng “cây gậy” kiểm soát chặt, mặt khác NHNN giơ cao “củ cà rốt”. Những ngân hàng nào “nghe lời” NHNN có thể được NHNN bán cho ngoại tệ để cung ứng cho khách hàng nếu cần, có thể được những ưu tiên khác như được tái cấp vốn, được giảm dự trữ bắt buộc.

Và bạn tính toán lại. Thế thì tôi gửi đô la làm gì? Tôi đổi đô la Mỹ ra tiền đồng, gửi tiền đồng kỳ hạn 12 tháng, có thể được 6-7%/năm. Giả sử năm 2016 đô la Mỹ lên giá 5% so với tiền đồng, tôi vẫn có lợi. Còn nếu vì lý do nào đấy, tỷ giá “nhảy nhót” trên 6% tôi hòa vốn và trên 7% thì coi như tôi thua! Đừng tưởng giữ tiền đồng an toàn tuyệt đối.

NHNN chỉ cần có vậy, cần bạn chuyển từ giữ đô la Mỹ sang giữ tiền đồng. Tỷ giá đang chịu sức ép không chỉ của cung cầu, mà còn của yếu tố tâm lý thị trường. Nếu yếu tố tâm lý được giải tỏa, sức ép sẽ giảm đi nhiều.

NHNN đang dựa vào những chốt nào để điều hành tỷ giá? Tháng 8-2015, khi giá trị đồng nhân dân tệ giảm mạnh so với đô la Mỹ, để hạn chế ảnh hưởng sự mất giá của đồng tệ lên thương mại Việt - Trung mà phía Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ nước láng giềng này, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá hai lần, kết quả là tiền đồng giảm giá khoảng 5% so với đô la Mỹ. Bằng “cú” điều chỉnh mạnh tay, nhà điều hành muốn truyền đến thị trường thông điệp: từ nay đến hết năm, sẽ không có bất cứ sự “can thiệp” nào nữa”.

“Cú 5%” của tỷ giá là bạo dạn, đặc biệt đặt trong bối cảnh mục tiêu dài hạn của NHNN vẫn là chống đô la hóa và ổn định giá trị đồng tiền Việt.

Cây gậy và củ cà rốt

Vậy tại sao vẫn có nhiều ý kiến đề xuất một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, cụ thể là tiền đồng nên giảm giá ở mức nhất định so với đô la Mỹ? Lý do chính là tiền đồng chưa đủ sức gánh vác trọng trách của đồng tiền duy nhất tại Việt Nam. Nó vẫn cần sự hỗ trợ ở vai trò thanh toán của đô la Mỹ. Nói cách khác, tiền đồng còn quá trẻ, chưa đủ 18 tuổi để có thể có đầy đủ quyền của một công dân.

NHNN rất biết điều đó, do đó những giải pháp có tính “cực đoan” được áp dụng. Đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0% là một trong những giải pháp ấy. Giải pháp này ai cũng có thể nhìn thấy được. Có những giải pháp phía sau chỉ giới ngân hàng biết.

Giờ đây những đợt đầu cơ ngoại tệ rất khó xảy ra nếu không muốn nói là bị dập tắt từ trong trứng nước. Các tổ chức tín dụng đều phải báo cáo NHNN hàng ngày các dữ liệu liên quan đến ngoại tệ như trạng thái ngoại hối, tiền gửi thanh toán của khách hàng trên tài khoản, dư nợ cho vay ngoại tệ, lượng ngoại tệ mua/bán trong ngày, thậm chí cả số lượng sổ tiết kiệm ngoại tệ được thế chấp để vay tiền đồng...

Một mặt dùng “cây gậy” kiểm soát chặt, mặt khác NHNN giơ cao “củ cà rốt”. Những ngân hàng nào “nghe lời” NHNN có thể được NHNN bán cho ngoại tệ để cung ứng cho khách hàng nếu cần, có thể được những ưu tiên khác như được tái cấp vốn, được giảm dự trữ bắt buộc, được xem xét điều kiện mở chi nhánh, được tham gia các chương trình cho vay ưu đãi các lĩnh vực ngành nghề...

Sự khác biệt cơ bản trong điều hành tỷ giá ngày nay xuất phát từ việc NHNN kiểm soát được các tổ chức tín dụng. Nguồn cơn của những đợt đầu cơ vàng, ngoại tệ bùng phát từ đâu nếu không phải từ các ngân hàng? Những đợt đầu cơ trên thị trường tự do sẽ không bao giờ có thể chuyển thành đỉnh điểm nếu không có sự trợ lực ngấm ngầm từ một số ngân hàng. Doanh nghiệp giờ đây không còn ra thị trường tự do mua ngoại tệ nộp vào ngân hàng để thanh toán hay trả nợ như trước. Các ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp dựa trên cân đối các nguồn của mình. Nếu thiếu, NHNN can thiệp và trên thực tế, NHNN đã bán không ít ngoại tệ kể từ giữa năm 2015 đến nay.

Nhìn lại, chúng ta thấy gì? Thứ nhất chủ thể quan trọng trên thị trường là các ngân hàng đang được hưởng lợi. Và một khi quyền lợi còn được đảm bảo, ngân hàng sẽ tuân thủ nhà điều hành trong thực thi chính sách ngoại hối. Thứ hai NHNN tiếp tục “cứng rắn” trên bước đường tới mục tiêu ổn định, nâng cao giá trị tiền đồng. Sự “cứng rắn” sẽ không rải đều trong mọi hoàn cảnh, nó có thể “mềm dẻo” khi cần. Chủ thể thứ ba bị thiệt về quyền lợi là người gửi tiền và doanh nghiệp. Cái thiệt sẽ dẫn đến tính toán và kết quả là một cái nhìn “ghẻ lạnh” đối với ngoại tệ. Tất nhiên, “chán đô la” sẽ không giống “chán vàng”, nhưng để “yêu thương” đô la như 5-10 năm trước là chuyện khó hình dung. Những doanh nghiệp và người gửi tiền “tỉnh táo” sẽ nương theo diễn biến tỷ giá mà ứng biến.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến