Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 28/1, Văn Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách và nợ liên bang của nước này trong thập kỷ tới sẽ đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Theo dự báo, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm nay sẽ vào khoảng hơn 1.000 tỷ USD và con số này sẽ tăng dần qua từng năm.
Do thâm hụt lớn, nợ quốc gia được dự báo sẽ tương đương 81% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020.
Con số này dự kiến sẽ tăng lên 98% GDP vào năm 2030 do nhiều đợt cắt giảm thuế và sự gia tăng chi tiêu liên tục cho các chương trình như Medicare và an sinh xã hội.
Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1946 và nợ công được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục là 180% GDP vào năm 2050.
Thâm hụt ngân sách Mỹ đã ngày càng tăng kể từ khi Tổng thống Donald Trump triển khai gói cắt giảm thuế vào cuối năm 2017.
Theo CBO, mặc dù thâm hụt ngân sách năm ngoái ở dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD, song con số này dự kiến sẽ lên mức trung bình 1.300 tỷ USD kể từ năm 2021 cho đến cuối thập kỷ này.
Trong khi lãi suất thấp giúp phần nào giảm bớt chi phí thanh toán nợ và thâm hụt, song CBO cho rằng tác động từ các dư luật hiện nay và những sự thay đổi khác lại khiến chi phí này tăng lên.
CBO nhận định nếu luật thuế và chi tiêu hiện hành hầu như không đổi, thâm hụt liên bang sẽ có xu hướng tăng lên từ năm 2020 đến năm 2030 và xa hơn thế.
Về tăng trưởng kinh tế, CBO dự báo sau khi điều chỉnh lạm phát, Mỹ sẽ đạt 2,2% trong năm nay, chủ yếu là do sức tiêu dùng ổn định và sự phục hồi trong đầu tư cố định của doanh nghiệp.
Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng GDP của Mỹ trung bình sẽ đạt 1,7% trong thập kỷ tới.
Ngoài ra, CBO nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ bắt đầu tăng vào năm 2022 nhưng vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2019 là 3,5%.
Tổng thống Trump đang hy vọng kinh tế mạnh sẽ là cú hích giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, bất chấp những nguy cơ từ phiên luận tội.
Tuy nhiên, các xung đột thương mại mà Tổng thống Trump đang theo đuổi đã tác động tiêu cực đến đầu tư, khiến kinh tế Mỹ dù tăng trưởng nhưng không đủ để thu hẹp thâm hụt thương mại.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy