Ảnh minh họa.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là lĩnh vực đã được yêu cầu hoàn thành từ nhiệm kỳ trước, song đến nay vẫn còn bề bộn.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Đã trình chủ trương cơ cấu lại SCB
Nhiều năm nay, tiến độ ì ạch trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém luôn được đề cập tại nghị trường.
Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 16/10), Chính phủ cho biết đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Hiện đang chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với Ngân hàng SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định..
Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, theo Chính phủ là đã dần được khắc phục. Tính đến nay, các tổ chức tín dụng không còn sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau và sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chưa xử lý khắc phục xong.
Tuy nhiên, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật, Chính phủ nêu nguyên nhân.
Kết quả tiếp theo là các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng, từ năm 2021 đến quý I/2023, đã thoái vốn được 2.766,6 tỷ đồng. Việc thoái vốn của cổ đông là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại tổ chức tín dụng cổ phần thực hiện đồng bộ cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Tính đến 31/3/2023, có 20 tổ chức tín dụng cổ phần có cổ đông là các DNNN; có khoảng hơn 70 DNNN đang góp vốn vào các ngân hàng với hơn 3,4 tỷ cổ phần, tương ứng với giá trị 34 nghìn tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Báo cáo cũng nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế của quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Đó là, bối cảnh phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2023 đã đặt ra yêu cầu to lớn cho ngành ngân hàng là phải thực hiện nhiệm vụ kép rất đặc thù, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm hiệu quả, an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ tín dụng. Đồng thời thông qua tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng phải hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước tác động của dịch bệnh.
Luật Các tổ chức tín dụng đã được ban hành và thực thi được hơn 12 năm. Mặc dù năm 2017, Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, chưa phải là việc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện.
Nhiều quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã không còn đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế nói chung và công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng; Việc hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với hệ thống các cơ quan tư pháp cũng chưa thống nhất dẫn đến những vướng mắc trong việc triển khai, áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng .
“Đòi” địa chỉ trách nhiệm
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức mục tiêu 3% (3,56%) . Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế.
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).
Đề nghị tiếp theo với Chính phủ là đánh giá việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo. Bởi, tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.
“Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, báo cáo của Chính phủ đã đề cập tới các tồn tại, hạn chế, tuy nhiên nguyên nhân chỉ mới tập trung vào các nguyên nhân khách quan, đề nghị bổ sung nguyên nhân chủ quan của các tồn tại, hạn chế gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan liên quan”, báo cáo thẩm tra nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, có ý kiến thẩm tra cho rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) gặp khó khăn; chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, phân tích các khó khăn, vướng mắc này.
Thời gian tới, theo cơ quan của Quốc hội, cần quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công (đã yêu cầu hoàn thành từ nhiệm kỳ trước) để dành nguồn lực cho cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy