Dòng sự kiện:
Chân dung 4 ông lớn chuẩn bị 'nhảy' vào thị trường hàng không
26/08/2019 09:30:41
Bên cạnh các tên tuổi quen thuộc, thị trường hàng không Việt đang nóng lên từng ngày với 4 ông lớn chờ cấp phép bay là Vietstar Airlines, KiteAir, Vietravel Airlines và Vinpearl Air.

Thiên Minh đề xuất lập hãng hàng không Cánh Diều

Mới đây, doanh nghiệp của ông Trần Trọng Kiên đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề nghị phê duyệt dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir). Dự án này có tổng mức đầu tư 1000 tỷ đồng với 100% góp vốn của Thiên Minh Group, dự định cất cánh năm sau. 

KiteAir dự kiến thành lập tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực.

Thiên Minh Group đề xuất lập hãng hàng không Cánh Diều.

Đối với quy mô dự án, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương).

Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty này sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72. Số tàu bay này sẽ tăng gấp 2 trong năm tiếp theo. Trong năm thứ ba, dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321.

Trong các năm thứ tư và thứ năm, mỗi năm, doanh nghiệp này sẽ đưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác.

Vietravel Airlines và giấc mơ được bay ngay trong năm 2020

Vietravel Airlines được thành lập bởi Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, có mục tiêu xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Địa điểm thực hiện dự án tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).

Vietravel Airlines và giấc mơ được bay ngay trong năm 2020

Vietravel Airlines đặt mục tiêu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 10/2020. Trong năm đầu tiên khai thác, Vietravel Airlines dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus320/321 hoặc B737 hoặc tương đương, đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.

Vingroup tham gia vào lĩnh vực hàng không

Ngày 29/5/2019, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty Cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.

Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty Cổ phần Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%.

Trong đó, ông Phạm Khắc Phương là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl. Ông Phương sinh năm 1967 xuất phát là một kỹ sư. Ông gắn bó với Vingroup từ khi tập đoàn này còn kinh doanh ở Ukraina với tên gọi Technocom. Đến năm 2007, ông là Trưởng ban kiểm soát Công ty Cổ phần Vincom…

Vingroup tham gia vào lĩnh vực hàng không.

Ngoài ra, một nhân vật sẽ đồng hành cùng sự phát triển của Vinpearl Air trong chặng đường sắp tới là ông Phan Xuân Đức. Trước khi đảm nhận vị trí CEO Vinpearl Air, ông Đức từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Để triển khai chủ trương trên, Vingroup đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới - thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt nam.

Vietstar Airlines mòn mỏi chờ bay

Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).

Vietstar Airlines mòn mỏi chờ bay

Tuy nhiên, quá trình xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của Vietstar Airlines rất gian nan. Nguyên nhân do Vietstar Airlines vướng phải các quy định về vốn điều lệ và quy định sân bay căn cứ. Vốn điều lệ của Vietstar Airlines đến năm 2015 mới đạt 700 tỷ đồng và bị thua lỗ lũy kế làm thâm hụt.

Vietstar Airlines cũng mất nhiều thời gian chờ đợi việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do còn phụ thuộc vào dự án mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến nay, dù dự án này vẫn chưa hoàn tất nhưng nguyện vọng cất cánh của Vietstar Airlines đã được giải quyết.

Sự tham gia của 4 “ông lớn” này trên thị trường hàng không hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân cơ hội được bay nhiều hơn, chi phí giá rẻ hơn, tuy nhiên, cũng đã tạo nên những áp lực không nhỏ lên hạ tầng hàng không.

Do đó, để thị trường này có thể phát triển lành mạnh, bền vững thì có lẽ các nhà chức trách cần phải cẩn trọng hơn trong việc đánh giá, cấp phép, quản lý các hãng hàng không, tạo ra một sân chơi lành mạnh, kiến tạo và phát triển.

Theo Nhà đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến