Dòng sự kiện:
Chất lượng tín dụng là mục tiêu hàng đầu
10/05/2019 20:01:16
Theo Báo cáo của NHNN, tính đến ngày 17/4, tín dụng tăng 3,23% so với đầu năm. Đây cũng là mức TTTD thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, dẫn tới kết quả đó...

Các ngân hàng buộc phải tối ưu hóa vòng quay vốn và sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất

Vì sao tín dụng tăng thấp

Nguyên nhân khách quan là ngay từ đầu năm trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát dưới 4%, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là khoảng 14% thấp hơn so với năm 2018. Lý do nữa khiến tín dụng tăng thấp trong những tháng đầu năm nay được một CEO ngân hàng chia sẻ, sức mua thấp nên việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực như gạo, lợn… gặp khó khăn về đầu ra. Một số mặt hàng nông sản chủ đạo phục vụ cho xuất khẩu nông nghiệp như gạo, cà phê, tiêu, hạt điều… đều suy giảm giá trị xuất khẩu mạnh trên thị trường thế giới. 

Những vấn đề này ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Việc điều chỉnh giá xăng, điện tăng trong thời gian vừa qua khiến nhiều DN gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn suy giảm”, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC bổ sung thêm.

Về phía chủ quan, bản thân các ngân hàng cũng không mấy mặn mà với việc đẩy tín dụng tăng cao khi mà thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel 2 đã cận kề. Với những yêu cầu khắt khe về an toàn vốn, đòi hỏi hoặc là các nhà băng phải tăng thêm vốn tự có, hoặc phải cơ cấu lại, thậm chí là phải thu hẹp quy mô tổng tài sản thì mới có thể đáp ứng. Chính vì vậy, một lần nữa tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tiếp tục đề nghị cho phép các NHTM có vốn nhà nước được giữ cổ tức để tăng vốn.

Ngoài ra, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, việc tín dụng tăng thấp còn do yếu tố chu kỳ. Chưa hết, theo chia sẻ của vị chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, hiện nay trên thị trường có dòng vốn mới, mô hình kinh doanh mới tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế như Fintech, cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu DN. Các DN đã tích cực huy động vốn trung dài hạn từ kênh này.

“Chúng ta nên thấy đó là tín hiệu đáng mừng vì hiện nay người dân và DN đã có nhiều kênh huy động vốn hơn trước. Qua đó đảm bảo thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Đồng quan điểm đây là điểm đáng mừng đối với nền kinh tế, ông Phạm Hồng Hải cho biết, hiện không ít DN nhìn thấy hướng phát triển trái phiếu, vì họ thấy dư nợ cho vay tối đa cho một DN tại ngân hàng đã kịch trần. Nếu muốn phát triển DN một cách lâu dài hơn, đáp ứng nguồn vốn lớn, họ phải tìm kênh dẫn vốn khác. “Thời gian qua, một số DN đã khai thác hướng phát hành trái phiếu trong nước cũng như quốc tế để hút vốn. Đây cũng là hướng đi tốt”, ông Hải chia sẻ.

Cơ hội lọc khách hàng tốt

Tuy tín dụng toàn hệ thống tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng giới chuyên môn nhận định không đáng quan ngại bởi có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng khá tốt. Đơn cử như TPBank, kết thúc quý I/2019, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này đạt gần 1.175 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cuối năm 2018. Hay như OCB, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này cũng tăng 8,53% trong 3 tháng đầu năm lên 1.721 tỷ đồng. Đáng chú ý là Vietcombank, trong quý I/2019, dư nợ cho vay khách hàng đạt 661.261 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm.

Tuy nhiên, nhìn chung là các ngân hàng tăng tín dụng thận trọng hơn. Điều đó một phần cũng do định hướng kiểm soát chặt tín dụng của NHNN so với những năm trước đây. Định hướng này nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. Khi quy mô dư nợ trong nền kinh tế ngày càng tăng cao, nếu tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước thì con số tăng tuyệt đối cao hơn rất nhiều. Nếu không kiểm soát tốt dòng vốn thì rất có thể lượng tiền chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Với tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành tính đến cuối năm 2018 đã lên hơn 7,21 triệu tỷ đồng, tương đương 130,3% GDP là tín hiệu báo động cho nền kinh tế gây sức ép lên hệ thống ngân hàng và tiềm tàng rủi ro khi lạm phát tăng cao”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Những rủi ro về việc kéo dài chính sách tăng trưởng tín dụng cao được các tổ chức quốc tế cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng khi nền kinh tế gặp biến động. WB mới đây cũng đã lặp lại cảnh báo kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương do đòn bẩy tín dụng cao.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong năm 2019 lớn hơn năm 2018. Dù lạm phát được cho là đang được kiểm soát tốt trong những tháng đầu năm, tuy nhiên việc giá điện tăng mạnh tới 8,36%, giá xăng cũng liên tục tăng mạnh, giá gas cũng tăng khiến áp lực lạm phát lớn dần. Bởi vậy nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn phải thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay. Bởi trong 8 tháng còn lại của năm 2019, nhất là các tháng trong quý II, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo.

Một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình. Hơn nữa, việc điều hành giá được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và biến động địa chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.

Phân tích thêm xu hướng tăng trưởng tín dụng, trong 3 năm trở lại đây tín dụng có xu hướng giảm dần nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thậm chí tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực. Thực tế chứng minh năm 2018, tín dụng tăng 13,89% trong khi GDP đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải, chủ trương trên là lưới lọc tốt cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Chỉ có DN chất lượng tốt đủ điều kiện mới vay được vốn ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng kỹ càng hơn nhiều khi lựa chọn khách hàng cho vay bởi họ không muốn đi vào sai lầm như 5-6 năm trước đây cho vay ồ ạt dẫn tới hậu quả nợ xấu. Đến giờ vẫn đang phải sửa sai. Rõ ràng khi vốn đầu ra bị hạn chế, các ngân hàng buộc phải tối ưu hóa vòng quay vốn và sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất. Với cách thức trên sẽ khiến cả ngân hàng và khách hàng có trách nhiệm hơn với đồng vốn vay.

Vì vậy, khi đánh giá về tăng trưởng tín dụng, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, không nên đặt quá nặng về số lượng mà nên quan tâm đến chất lượng. Quan trọng là các DN có chất lượng tốt, tiếp cận được nguồn vốn từ nhiều kênh dẫn khác nhau. Qua đó hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng tốt mới là điều đáng phải lưu tâm.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến