Không chỉ riêng cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao mà hiện nay mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn tại các ngân hàng cũng có dấu hiệu nóng trở lại. Ghi nhận tại 1 số ngân hàng cho thấy mức tăng từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, tăng 0,1 – 0,8 điểm % tùy từng kỳ hạn và từng ngân hàng.
Chẳng hạn như tại ABBank vào giữa tháng 8/2019 đã thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ. Tương tự, SHB cũng điều chỉnh lãi suất cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn sáu tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn chín tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm. OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12-8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỉ lệ này đã tăng 0,3 điểm %.
Không riêng các ngân hàng thương mại mà 2 ông lớn trong nhóm big 4 là BIDV và VietinBank cũng nhập cuộc. Dù điểm % không tăng cao nhưng cũng không đứng ngoài cuộc đua lãi suất huy động trung và dài hạn khi niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó.
Một điểm dễ nhận thấy là mặc dù thanh khoản ở các ngân hàng hiện nay dồi dào nhưng thực chất vẫn là vốn tạm thời nhàn rỗi ngắn hạn, trong khi tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao. Theo kết quả một khảo sát báo cáo tài chính của 20 ngân hàng trong quý I/2019 cho thấy tỷ lệ này chiếm tới 54,68%. Sự mất cân đối về nguồn vốn vay khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi trung và dài hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn dài để đảm bảo an toàn trong cho vay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay vẫn giữ ổn định, chưa có dấu hiệu tăng. Ghi nhận từ 1 số doanh nghiệp cho thấy mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn được giữ ổn định. Cụ thể cho vay ngắn hạn ở mức 7-8%, vay trung và dài hạn xoay quanh mức 10-12%; còn với những doanh nghiệp tốt hơn thì mức lãi vay có thể thấp hơn 0,5- 1,5% tùy từng kỳ hạn và mức độ tín nhiệm của từng doanh nghiệp. Lãi suất huy động tăng trong khi lãi vay vẫn giữ nguyên sẽ gây áp lực lên chi phí vốn cho các ngân hàng dẫn đến việc lợi nhuận cũng sẽ giảm theo.
Ví dụ, với 1 khoản tiết kiệm 500 triệu ngân hàng huy động từ dân cư với mức lãi suất 8,5% cho kỳ hạn 12 tháng thì lãi cuối kỳ ngân hàng phải trả tương ứng 42,5 triệu. Trong khi đem 500 cho vay với cùng kỳ hạn 12 tháng với lãi suất đầu ra là 11% thì lãi ngân hàng nhận được là 55 triệu. Như vậy lợi nhuân ngân hàng nhận được là 12,5 triệu. Đây là mức lợi nhuận khá thấp khi ngân hàng phải chi trả hàng loạt các khoản phí hoạt động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc giảm lợi nhuận là điều tất yếu mà các ngân hàng phải chấp nhận trong thời điểm hiện nay. Bởi nếu tăng lãi suất đầu ra thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, và có khả năng sẽ không vay vốn dẫn đến việc ngân hàng sẽ mất khách hàng. Thế nhưng, khi chi phí vốn tiếp tục tăng, cộng với nhiều khoản chi phí khác cũng nhiều khả năng tăng theo như: lương, thưởng, chi phí marketing....thì mức lợi nhuận ngân hàng sẽ ngày càng co hẹp theo. Và theo dự báo của ông Hiếu, thì mặt bằng lãi vay sẽ khó giữ vững bởi ngân hàng phải duy trì NIM lợi nhuận từ 2,5 – 3%.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn lực cho biết hiện nay cuộc đua tăng lãi suất huy động chỉ mới diễn ra trong phạm vi nhỏ, mang tính cục bộ chứ chưa hẳn là cuộc đua toàn hệ thống. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước thì nhiều khả năng lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới dẫn đến các ngân hàng khác cũng buộc phải xem xét nâng lãi suất theo. Và khi lãi suất huy động tăng ở mức khó kiểm soát thì mặt bằng lãi vay sẽ khó giữ ổn định.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và mạnh ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Và sắp tới đây, NHNN sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.
Đồng tình với động thái nói trên của NHNN, song chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm việc chạy đua tăng lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng không phải do yếu tố thiếu thanh khoản mà vì các ngân hàng đang thừa vốn ngắn hạn, trong khi cho vay ra chủ yếu ở kỳ hạn trung và dài hạn. Vì thế, nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn này theo quy định của NHNN thì các ngân hàng buộc phải dùng nhiều cách để huy động nguồn vốn dài hạn. Vì thế, cơ quan quản lý cần nhiều hơn các biện pháp hành chính để kiểm soát cuộc đua lãi suất. Bởi quy định hiện nay về trần lãi suất huy động 5,5% chỉ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống, còn với các kỳ hạn dài hơn thì do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận.
Theo Nhịp cầu đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy