Dòng sự kiện:
Chạy đua với mục tiêu thu ngân sách Trung ương
24/06/2018 10:41:27
Tuy đang đà khả quan so với cùng kỳ một vài năm trước, song thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương (NSTƯ), vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức của ngành Tài chính.

Tỷ trọng đang giảm dần

Tỷ trọng thu của NSTƯ trong tổng thu có xu hướng giảm. Trước đây, thu NSTƯ chiếm 60 - 65% tổng thu NSNN, song bình quân 2 năm 2016 - 2017 chỉ đạt khoảng 56 - 57% tổng thu NSNN.

Báo cáo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN 5 tháng đầu năm 2018 đạt 549 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Thu nội địa đạt 442,77 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của DNNN, số thu nội địa ước đạt 342,47 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% dự toán, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2017. Thu từ dầu thô 5 tháng qua ước đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán đạt 5,4 triệu tấn, bằng 47,7% kế hoạch, giá dầu thanh toán bình quân đạt 70 USD/thùng, tăng 20 USD/thùng so với giá dự toán. Thu từ hoạt động XNK đạt 118,75 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán, chỉ tăng khoảng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo chế độ (36,28 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ XNK 5 tháng đạt 82,47 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017.

Nhìn tổng thể có thể thấy, các khoản thu NSNN đều cơ bản đạt dự toán và tăng so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, các khoản thu điều tiết 100% về NSTƯ đều có tiến độ thu khá tốt. Tuy vậy, theo một vị lãnh đạo của Bộ Tài chính, thu NSTƯ vẫn rất khó khăn.

Cách đây không lâu, giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích: Sở dĩ NSTƯ mấy năm qua khó khăn theo chúng tôi đánh giá có 2 nguyên nhân chính, là do thu từ dầu thô và thu thuế XNK giảm. Thu từ dầu thô giai đoạn trước chiếm 27 - 30% tổng thu ngân sách. Giai đoạn vừa qua giá dầu thô rất biến động, cùng với đó lượng không tăng. Giá lúc cao lên tới 110 USD/thùng, nhưng giai đoạn từ năm 2016 bắt đầu biến động, xuống còn 44 USD/thùng, có lúc 33 USD/thùng, trong khi đó giao dự toán là 60 USD/thùng. Riêng thu từ dầu thô giảm so dự toán gần 16 USD/thùng, nếu so với những năm 2014 - 2015 (hơn 110 USD/ thùng thì giảm khoảng 50 USD/thùng), giá dầu giảm sâu và giảm đột ngột. Do vậy từ chỗ chiếm tỷ trọng khoảng 27%, năm 2017 dầu thô trong dự toán thu còn 3,5% dự toán. “Tất nhiên tổng thu của chúng ta tăng lên nhưng tỷ trọng xuống thấp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Nguyên nhân thứ hai khiến NSTƯ sụt giảm do thuế XNK giảm. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cắt giảm thuế quan liên tục, nhất là trong năm 2017 - 2018 cắt giảm thuế quan sâu nên mặc dù thu thuế XNK đảm bảo dự toán, thậm chí tăng so với dự toán nhưng số tuyệt đối không tăng, có nghĩa là tỷ trọng giảm xuống.

Nhìn nhận nguyên nhân ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trước đây NSTƯ có sự đóng góp nhiều từ các DNNN. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang tái cấu trúc DNNN, cổ phần hóa và thoái vốn khá nhiều phần nào giảm bớt sự đóng góp trực tiếp của các DN này cho NSNN. Hơn thế nữa, một số thay đổi chính sách thuế trong tổng thể cũng như việc phân bổ, phân chia giữa NSTƯ và địa phương cũng có tác động. Thực tế hiện nay, phần tăng thu của các địa phương đang có chiều hướng tăng nhiều ở phần địa phương được giữ lại, còn phần điều tiết về Trung ương ít hoặc không có. “Điều này đặt ra vấn đề là phải thay đổi lại phương thức quản lý các nguồn thu, có thể điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết giữa các hoạt động thu, giữa các nhóm thu cũng như thay đổi phương thức thu để thay đổi tình trạng nền kinh tế tăng trưởng nhưng nguồn thu lại không tăng lên tương xứng” - ông Cường nhận định.

Điều chỉnh chính sách thu

Đưa ra giải pháp từ việc nhìn nhận những bất cập, người đứng đầu ngành Tài chính nêu rõ: Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam hiện nay có mức phổ thông là gần 20% (Mỹ vừa có quyết định hạ thuế TNDN từ 30% xuống 21%); ưu đãi cho DN thời gian qua cũng tăng hơn để đảm bảo chống suy thoái về kinh tế. Nhiều ưu đãi về hàng hóa, sản phẩm, lĩnh vực và địa bàn... cho nên thực tế thu thuế TNDN những năm vừa qua chỉ được trên 15% chứ không được đến 20% như mức phổ thông. Riêng khu vực đầu tư nước ngoài chỉ được hơn 10%. “Chúng ta áp dụng ưu đãi cho các dự án lớn, các vùng..., DN đầu tư nước ngoài tận dụng được nhưng DN trong nước còn khó khăn. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới NSTƯ. Đây là thực tế, tới đây chúng tôi sẽ rà soát lại” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Để cơ cấu lại ngân sách, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án 1 luật sửa các luật thuế, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý, nhưng do sửa nhiều luật quá phức tạp nên Bộ sẽ chia thành 2 - 3 luật, có luật sẽ sửa một cách căn cơ như Luật thuế GTGT, TNDN và Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Bộ trưởng Tài chính cũng chia sẻ thêm “tâm tư” của người làm chính sách. Ông cho biết, những chính sách mới trong chủ trương đã có nhưng triển khai rất khó khăn, nhất là trong tuyên truyền vận động. Ví như dự án Luật thuế Tài sản, được nêu trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong Chiến lược cải cách thuế 2011 - 2015 và gần đây nhất là tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội... đều yêu cầu có giải pháp nghiên cứu ban hành Thuế Tài sản... Dự án luật này mới chỉ đưa ra lấy ý kiến, cần dư luận góp ý, Bộ sẽ tiến hành tiếp thu điều chỉnh, sau đó mới lấy ý kiến bộ, ngành và trình Bộ Tư pháp thẩm định; sau đó trình Chính phủ, Chính phủ thông qua mới đưa lên trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh... Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện được, dự án luật này cũng là cho nhiệm kỳ sau. Trong quá trình xây dựng dư luận đóng góp ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu giải trình. Trong quá trình xây dựng chính sách rất cần sự đồng thuận, chia sẻ và đóng góp ý kiến để cơ quan soạn thảo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh những giải pháp có tính chất lâu dài nói trên, để thực hiện tốt dự toán thu NSTƯ năm 2018, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 3% tổng thu NSNN. Ngoài ra, tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ cơ chế tài chính đặc thù đang áp dụng đối với một số lĩnh vực, kết hợp với việc tổ chức tập trung các khoản thu phí, lệ phí vào NSNN, không áp dụng cơ chế đặc thù đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước ở quá nhiều lĩnh vực; tăng cường quản lý các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, một số quỹ ngoài ngân sách cần được nghiên cứu thu vào NSNN, không để phân tán như hiện nay. Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu được đẩy mạnh, tính đến hết tháng 5/2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 15 cuộc thanh tra, kiểm tra; lưu hành 14 kết luận thanh tra kiểm tra; kết quả kiến nghị xử lý về tài chính là 1.951 tỷ đồng, trong đó kiến nghị nộp NSNN 1.296 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2018, khi thực trạng giải ngân vốn đầu tư trì trệ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, rà soát các nhiệm vụ chi đầu tư chậm triển khai, chậm giải ngân, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA chưa phân bổ,…để mạnh dạn cắt giảm dự toán, điều chuyển cho các lĩnh vực có hiệu quả hơn.

Song song với nỗ lực thu, để cân đối tốt NSNN chung, giảm áp lực cho NSTƯ, việc quản lý chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công,... sẽ được triển khai rốt ráo hơn. Chính phủ cũng đã quán triệt không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN, không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành; tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; quản lý chặt chẽ nợ công, việc bảo lãnh của Chính phủ, vay về cho vay lại, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; giữ mức trần nợ công trong giới hạn cho phép để bảo đảm an ninh tài chính; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; có lộ trình cụ thể đối với các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn,… vừa phù hợp với pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, vừa khuyến khích các DN phát triển.

Theo Báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến