Chỉ cấm bán rượu, bia sau 22h đêm ở một số nơi, chứ không phải toàn bộ
24/07/2014 14:27:41
Qui định cấm bán rượu, bia sau 22h đêm đến 6h sáng hôm sau mà dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra đã gây xôn xao dư luận. 

Qui định cấm bán rượu, bia sau 22h đêm đến 6h sáng hôm sau mà dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ngày 23/7, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định: Nếu áp dụng cấm bán rượu, bia sau 22h, thì cũng chỉ ở một số địa điểm, chứ không phải cấm toàn bộ như báo chí phản ánh.

 

Để đưa thông tin đầy đủ hơn đến bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Trang xung quanh dự luật trên:

 

- Thưa bà, bà có thể cho biết, những cơ sở nào để Bộ Y tế đề xuất qui định trên?

 

Bà Trần Thị Trang: Hiện ở Việt Nam, bình quân mỗi người sử dụng 4 lít rượu, bia và dự tính đến năm 2025, con số này sẽ là 7 lít/người. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia đang ngày càng tăng nhanh ở mức báo động. Việc lạm dụng rượu, bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Sử dụng rượu bia vào giờ khuya làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm khả năng lao động của con người. 70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta là do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, TNGT thường xảy ra từ 18-24h. Hơn 70% nạn nhân TNGT và tử vong do TNGT là ở độ tuổi 15-44. Việc uống rượu bia sau 22h còn ảnh hưởng đến ANTTXH và là một trong những nguyên nhân phạm tội, gây thương tích. Nghiên cứu cũng cho thấy, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục, của chồng với vợ, thậm chí là cha với con đẻ.

 

Bên cạnh đó, Quyết định của Thủ tướng về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 quy định “Nghiên cứu ban hành các biện pháp quản lý phù hợp để từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm thích hợp trong ngày”. Kinh nghiệm của các nước cũng là cơ sở để Bộ Y tế tham khảo khi hiện có 168 nước (9 nước ASEAN) quy định cấm bán rượu, bia, đa số là từ 20h hoặc 22h đến 6h, hoặc 8h ngày hôm sau. Hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định, tỷ lệ sử dụng rượu, bia có xu hướng giảm. 

 

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

 

- Việc Bộ Y tế đưa ra phương án trên, khiến dư luận xôn xao vì có vẻ mang tính áp đặt?

 

Bà Trần Thị Trang: Quy định dự kiến đưa ra lấy ý kiến có 3 phương án. Phương án 1 là không được bán rượu, bia từ sau 22h đến 6h sáng, tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ. Đây là phương án tối ưu, có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng đòi hỏi phải nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện. Phương án 2 là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế. Phương án 3 chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia.

 

- Vấn đề dư luận băn khoăn suốt những ngày qua trước vấn đề cấm rượu, bia, chính là tính khả thi. Bộ Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này?

 

Bà Trần Thị Trang: Mọi qui định đưa ra, nhà làm luật đều nghĩ đến tính khả thi. Ở đây, đòi hỏi sự nỗ lực cao về công tác tuyên truyền để làm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng của xã hội. Bên cạnh đó, là tổ chức các lực lượng giám sát. Các cơ quan quản lý Nhà nước, từ TW đến địa phương phải tổ chức tốt việc phổ biến cho người dân hiểu, tiến hành thanh tra việc thực hiện, để xem xét, từ đó, kiểm tra định kỳ và đôn đốc nhắc nhở thường xuyên. Về địa điểm thực hiện cấm bán rượu sau 22h đêm, dự thảo sẽ có qui định, dựa trên thực tế và tham khảo kinh nghiệm các nước. Ở nhiều nước cấm bán rượu, bia sau 22h đêm ở các khu sinh hoạt chung, như công viên, bến tàu, nhà hàng, bar, quán karaoke, tụ điểm vui chơi giải trí. Dự thảo sẽ nghiên cứu về địa điểm cấm khả thi nhất. Nơi nào đã cấm bán thì sẽ cấm uống ở đó.

 

- Không ít người nghi ngờ việc cấm bán rượu sau 22h đêm, nhất là cấm bán cho người dưới 18 tuổi, vì không lẽ, lại hỏi chứng minh nhân dân?

 

Bà Trần Thị Trang: Các nước có qui định cấm bán rượu, bia, đều có qui định cấm bán cho người dưới 18 tuổi để bảo vệ sự phát triển toàn diện cho trẻ bằng việc xuất trình chứng minh nhân dân, cũng như có lực lượng giám sát và xử phạt nghiêm. Điều này cũng đòi hỏi người bán phải có kỹ năng, trách nhiệm và cha mẹ cũng phải có ý thức. 

 

Nhiều vụ TNGT cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức có nguyên nhân từ rượu, bia. 

 

- Nhưng để qui định đi vào cuộc sống, lực lượng nào sẽ thanh, kiểm tra vi phạm?

 

Bà Trần Thị Trang: Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là UBND các cấp, Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Công thương, Công an, đồng thời, huy động sự giám sát của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng. Cũng cần có biện pháp giám sát cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, khen thưởng kịp thời đối với những nơi làm tốt, phê bình và có hình thức xử lý phù hợp với các cơ quan buông lỏng quản lý, thanh tra, kiểm tra.

 

- Có ý kiến băn khoăn về việc cấm bán rượu, bia sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch?

 

Bà Trần Thị Trang: Những đánh giá sơ bộ cho thấy, chưa có mối liên quan giữa việc cấm bán rượu sau 22h đêm với phát triển du lịch. Thái Lan chỉ cho phép bán rượu từ 17h đến 21h, nhưng vẫn là nước phát triển du lịch nổi tiếng ở châu Á. Còn Singapore chỉ dành riêng một số khu vực cho phép bán rượu, bia.

 

- Hiệu quả của quy định đã được tính đến?

 

Bà Trần Thị Trang: Đây là một trong các biện pháp hiệu quả để hạn chế tiếp cận với rượu, bia, góp phần giảm nhu cầu sử dụng và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia. Người dân và cơ sở sau khi được tuyên truyền, giải thích sẽ dần hiểu và chấp hành, từ đó, sẽ hạn chế ảnh hưởng xấu về sức khỏe, TNGT, ANTT; tạo môi trường, thói quen lành mạnh, văn minh trong sử dụng rượu, bia; giảm gánh nặng, chi phí khắc phục hậu quả về sức khỏe và xã hội do lạm dụng rượu, bia.

 

- Chắc chắn, việc thực hiện sẽ có không ít khó khăn khi uống rượu, bia đã là một thói quen gần như mang “tính xã hội”?

 

Bà Trần Thị Trang: Chúng tôi cũng lường đến những khó khăn khi triển khai thực hiện, là cần có thời gian để người dân và cơ sở chuẩn bị; cần đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra. Chắc chắn, các cơ sở kinh doanh sẽ ngại ngần vì ảnh hưởng đến doanh thu.

 

- Khi nào thì Bộ Y tế sẽ trình dự thảo luật này?

 

Bà Trần Thị Trang: Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến nên chưa trình dự luật này.

 

- Cảm ơn bà!

 

Thanh Hằng (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến