Dòng sự kiện:
Chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam sẽ rút ngắn được thời gian, tiến độ
19/01/2022 10:01:22
Ngoài việc lựa chọn kỹ nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiên quyết cắt thầu, chỉ định ngay nhà thầu thay thế để đảm bảo tiến độ cho toàn dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; trong đó áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, chỉ định thầu.

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng cao tốc Bắc-Nam đoạn 2021-2025 được áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được thời gian và đảm bảo tiến độ thay vì tổ chức đấu thầu mất thêm 3-4 tháng.

Sàng lọc kỹ tư vấn, nhà thầu kém chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ áp dụng chỉ định thầu để giảm thời gian đấu thầu. Vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn kỹ nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiên quyết cắt thầu, chỉ định ngay nhà thầu thay thế để đảm bảo tiến độ cho toàn dự án.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành hồ sơ mời thầu gồm trình độ, năng lực để các nhà thầu, tư vấn nếu đáp ứng thì đưa vào danh sách xem xét, tuyển chọn được các đơn vị thi công tốt nhằm rút ngắn được thời gian và đảm bảo tiến độ,” Bộ trưởng Thể khẳng định.

Nhấn mạnh việc chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), phân tích ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6-8 tháng.

Đặt vấn đề khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu rất dễ dẫn tới cơ chế xin cho, ông Sơn cho rằng chỉ định thầu có thể hiểu đơn giản là đấu thầu có một nhà thầu. Nhà thầu này vẫn phải vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí đồng thời phải trình hồ sơ chứng minh năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu của dự án; khả năng tổ chức sản xuất, đáp ứng về mặt thời gian thực hiện; huy động nhân công, máy móc, thiết bị thi công; cam kết tiết giảm 5% so với dự toán.

“Khi đáp ứng đủ hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí thì nhà thầu mới đủ tư cách để được chỉ định thầu. Vì vậy, chỉ định thầu không phải là chỉ đích danh mỗi tên công ty mà có sự đánh giá, sàng lọc tư vấn, nhà thầu kém chất lượng, đảm bảo dự án không chỉ nhanh về tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng,” ông Sơn nói.

Là nhà thầu triển khai thi công nhiều dự án giao thông, trong đó có cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đánh giá ưu điểm lớn nhất của chỉ định thầu là nhanh chóng tìm đúng người, đúng việc, tăng được tiến độ triển khai dự án.

“Nếu tiến độ dự án cấp bách thì chỉ định thầu sẽ là giải pháp tối ưu và giải quyết được những nhược điểm như kéo dài thời gian đấu thấu và thời gian hoàn thành dự án chậm,” ông Khôi chia sẻ.

Công khai, minh bạch chỉ định thầu

Ủng hộ chỉ định thầu một cách công khai, minh bạch, bởi đây là giải pháp rất hiệu quả, tuy nhiên, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), để chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam, cơ quan quan chức năng phải tăng cường công tác giám sát và kiểm soát, không lợi ích nhóm, không tư túi… Nhà thầu được chọn phải chứng minh là doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính và năng lực thi công.

Từ đó, ông Chủng đưa ra quan điểm cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình bởi dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình quan trọng quốc gia được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Do đó, tiến độ dự án quan trọng nhưng dứt khoát không được xảy ra tình trạng kém chất lượng.

“Đấu thầu hay chỉ định thầu mục đích là lựa chọn nhà thầu để làm ra sản phẩm cuối cùng. Nhiều dự án khi đấu thầu giảm giá được hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng,… nhưng chất lượng sản phẩm cuối cùng lại không như mong muốn thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều,” vị Chủ tịch VARSI khuyến cáo.

Nhà thầu làm dự án cáo tốc Bắc-Nam phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để phát huy được hiệu quả tối ưu của chỉ định thầu, ông Khôi nhìn nhận chủ đầu tư phải chọn được đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án phải đúng và đủ, bám sát được giá thực tế bởi nếu không sẽ khó có doanh nghiệp nhà thầu nào dám đảm nhận dự án.

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết để đẩy nhanh được tiến độ, cần cơ chế chỉ định thầu tư vấn lập thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi đồng thời triển khai song song lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường và lập hồ sơ báo cáo chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nhằm rút ngắn thời gian so với việc thực hiện thủ tục thông thường.

“Khi các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công dự án có thể thực hiện vào cuối năm 2022,” ông Thắng kỳ vọng.

Khẳng định sẽ công khai, minh bạch chỉ định thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay chính phủ cũng đã dự kiến thành lập hội đồng liên bộ để xét tuyển nhà thầu, tư vấn dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn 2021-2025.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng (một trăm bốn mươi sáu nghìn chín trăm chín mươi tỷ đồng). Công trình này có tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Tác giả: Việt Hùng

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến