Dòng sự kiện:
Chỉ số chứng khoán DAX của Đức có chuỗi kỷ lục dài nhất kể từ năm 2015
14/03/2024 09:50:58
Chỉ số DAX, bao gồm 40 tập đoàn niêm yết lớn của Đức, gần đây duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế Đức nói chung và đang có chuỗi kỷ lục dài nhất kể từ năm 2015.

Quang cảnh sàn chứng khoán Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ số chứng khoán blue-chip DAX trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) lần đầu tiên vượt mốc 18.000 điểm trong phiên giao dịch sáng 13/3 ngay sau khi mở cửa.

Chỉ số DAX, bao gồm 40 tập đoàn niêm yết lớn của Đức, gần đây duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế Đức nói chung. DAX đang có chuỗi kỷ lục dài nhất kể từ năm 2015.

Số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023. Tuy nhiên, trong tháng 1/2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ghi nhận tăng trưởng nhờ giá trị xuất khẩu của các công ty Đức tăng 6,3%.

Bất chấp kinh tế trong nước phát triển ì ạch, nhiều công ty trong danh mục chỉ số DAX thực hiện hoạt động kinh doanh chính ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Mỹ, nên ít phụ thuộc hơn vào thị trường nội địa.

Xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán là tin tức tích cực hiếm hoi về kinh tế Đức tính đến thời điểm hiện tại.

Vài tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nước này năm 2024 từ 1,3% xuống 0,2%. Theo ông Habeck, môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định và tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp trong lịch sử là một thách thức đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức.

Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cũng đã thông báo sản lượng kinh tế ở Đức dự kiến giảm nhẹ trở lại trong quý 1/2024, đẩy nước này vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Ngân hàng cho rằng các cuộc đình công lan rộng là một yếu tố góp phần quan trọng vào bức tranh kinh tế èo uột của Đức.

Các đơn đặt hàng công nghiệp và sản xuất ở quốc gia xuất khẩu này vẫn suy giảm và các cuộc khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức, sử dụng hơn 50% lực lượng lao động của đất nước, tỏ ra ngày càng bi quan về triển vọng năm tới. Những công ty này cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng họ phải đối mặt với vấn đề tiền lương tăng, chi phí sản xuất tăng và giá năng lượng vẫn đắt đỏ.

Như vậy, có thể thấy sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ có ý nghĩa quan trọng hơn kinh tế Đức đối với chuỗi thành tích mới nhất của DAX. Chi tiêu hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19 cao và chi phí năng lượng thấp đã giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Lạm phát hạ nhiệt cũng có khả năng củng cố tâm lý nhà đầu tư. Tăng trưởng giá tiêu dùng đã giảm đáng kể ở nhiều nước, trong đó có Đức. Chính phủ dự báo lạm phát sẽ giảm từ 5,9% năm 2023 xuống còn 2,8% trong năm nay, gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nếu xu hướng này tiếp tục, lãi suất sẽ giảm xuống.

Các nhà đầu tư giờ đây tỏ ra lạc quan rằng tiền mặt sẽ sớm được lưu thông tự do hơn trong nền kinh tế và sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các công ty lớn nhất của Đức, nền kinh tế Đức yếu kém có thể dẫn đến đồng euro rẻ hơn cũng như chi phí vay thấp hơn khi ECB cố gắng kích thích chi tiêu ở châu Âu. Đồng thời, tình trạng kinh tế trong nước trì trệ sẽ ít ảnh hưởng đến doanh thu do thị trường nước ngoài rộng lớn của họ mang lại.

Trong số các công ty nổi tiếng trên toàn cầu được niêm yết trong chỉ số DAX có Volkswagen, Bayer, BMW và Adidas./.

Tác giả: Thu Hằng

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến