Cây cầu Lạc Hồng trị giá trên 30 tỷ đồng ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) xây xong gần 10 tháng qua, nhưng không kết nối với đường do đầu cầu cao hơn mặt đường 1,33 m.
Sau nhiều tháng “đau đầu, bứt tóc”, cuối cùng chủ đầu tư (Bộ GTVT) đã quyết định đập chân cầu để hạ mặt cầu xuống gần với mặt đường hiện hữu để kết nối.
Mố cầu Lạc Hồng sẽ được "cắt" bớt hơn một nửa để kết nối được với đường Ngô Quyền!
Làm đúng theo thiết kế
Cây cầu Lạc Hồng bắc qua kênh Ông Hiển ở TP Rạch Giá (Kiên Giang), nằm trong tuyến phụ CF dài 2,28km của Dự án tuyến tránh Rạch Giá nối với đường Lạc Hồng và Ngô Quyền vào trung tâm TP Rạch Giá.
Đây là dự án thành phần 3 thuộc giai đoạn I của Dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2010. Dự án tuyến tránh TP Rạch Giá có tổng mức đầu tư 1.978,25 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Các nhà thầu chính và tư vấn thiết kế đều do các công ty của Hàn Quốc đảm trách.
Trợ lý Tổng giám đốc Công ty liên danh Hanshin – Kukdong – Keangnam, ông Trần Xuân Thư đại diện nhà thầu cho biết, cầu Lạc Hồng có giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, được xây bằng bê tông dầm dự ứng lực, có qui mô thiết kế ngang 12m dài 78 m và độ thông thuyền là 1,5 m. Đến tháng 10/2013 đã xây xong các phần chính cầu Lạc Hồng.
“Nhưng đến khi chuẩn bị thi công phần mố cầu thì UBND tỉnh Kiên Giang có công văn yêu cầu các bên liên quan thay đổi thiết kế mố cầu kết nối với đường Lạc Hồng và Ngô Quyền. Sau đó đơn vị đã ngưng thi công và tuyến phụ CF này đã chậm hơn 6 tháng qua so với kế hoạch. Đến nay, nhà thầu chúng tôi đều làm đúng theo thiết kết đã được các đơn vị chức năng phê duyệt”, ông Thư nói.
Tuy nhiên, theo công văn ngày 29/10/2009 của UBND tỉnh Kiên Giang gửi chủ đầu tư, nêu ý kiến thống nhất một số vấn đề về độ tĩnh không trên lộ và dưới nước của Dự án Tuyến tránh TP Rạch Giá. Trong đó có nêu thống nhất về độ tĩnh không thông thuyền cây cầu Lạc Hồng là 1,5m và điểm giao cắt với đường ở hai đầu cầu là “nút giao bằng”.
Xây xong rồi đập
Vào ngày 16/6 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn kiến nghị với chủ đầu tư thay đổi thiết kế mố A cầu Lạc Hồng và cho rằng, theo thiết kế mặt đường mố A đầu cầu Lạc Hồng rất cao ( 1,33 m) so với mặt đường hiện hữu.
Khi lao dốc 4% theo 3 hướng tại ngã tư đầu cầu sẽ có nguy cơ tạo ra xung đột giao thông tại đây gây mất an toàn giao thông. Mặt khác với thiết kế này sẽ phá vỡ cảnh quan kiến trúc đô thị tại khu vực và ảnh hưởng đến công trình tôn giáo là chùa Láng Cát (Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) ở ngay gốc ngã tư đầu cầu Lạc Hồng. Ngoài ra nhiều nhà dân hai bên đường Ngô Quyền sẽ bị ảnh hưởng do nâng mặt đường lao dốc lên cao độ từ 0,5 đến 0,77 m.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn mới đây (ngày 8/7), Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (đại diện Bộ GTVT làm chủ đầu tư), ông Nguyễn Đình Viễn cho biết, Bộ GTVT vừa quyết định và cho phép triển khai phương án đập chân trụ cầu để hạ độ cao mố A cầu Lạc Hồng tại điểm giao cắt trực tiếp giữa ngã tư đường Lạc Hồng – Ngô Quyền.
“Theo đó chỉ đập và hạ một bên đầu cầu đã xây xong với cao độ mố A cầu là 1,33m sẽ hạ xuống còn 0,4 m so với mặt đường hiện hữu. Độ thông tuyến vẫn 1,5 m như thiết kế ban đầu. Phương án này vẫn bảo đảm chất lượng cây cầu, không tốn kém gì đáng kể và chủ đầu tư chịu chi phí”, ông Viễn khẳng định.
Thế nhưng, đại diện nhà thầu, ông Trần Xuân Thư thì cho rằng, việc hạ mố A đầu cầu xuống thì phải hạ luôn mố B đầu cầu phía bên kia để bảo đảm kết cấu. Phương án này gây tốn kém khoảng 1/3 giá trị cây cầu, tức khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình đập phá sẽ dễ rũi ro gây chấn động toàn bộ các chân trụ liên kết, phát sinh chi phí trong quá trình xử lý.
Dù phương án khắc phục nào thì cũng không tránh khỏi tốn kém và mất thời gian. Điều đáng nói là trong quá trình phê duyệt thiết kế, thi công và giám sát… các bên liên quan vẫn không nhìn thấy sự bất cập của mố cầu. Đến khi xây xong, chính quyền địa phương đề nghị và chủ đầu tư mới chịu thay đổi thiết kế bằng cách đập phá hạ độ cao đầu cầu để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan kiến trúc đô thị.
Huy Thịnh - baodautu.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy