Nhiều người mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu trước nơi trả kết quả xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sáng 3/5. Ảnh: Hữu Khoa
Dù ngành y tế đã rất nỗ lực trong việc cải thiện hình ảnh, thế nhưng với kết quả xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính năm 2017 dành cho các bộ, ngành mà Bộ Nội vụ vừa công bố ngày 2/5 cho thấy Bộ Y tế vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Với 72,4 điểm, Bộ Y tế đang đứng áp chót bảng xếp hạng trong số các bộ ngành.
Mẹ van xin bệnh viện cấp cứu cho con
"Tôi lơ là một chốc, bé con 2 tuổi uống mất một ngụm trong chai cồn 90 độ rồi khóc ré lên. Tôi ôm bé chạy vào bệnh viện cấp cứu.
Tới bệnh viện, từ ngoài cổng, người ta không cho xe vào nên người nhà tôi phải qua đường gửi xe, tôi đành ôm con chạy bộ cả mấy trăm mét mới tới được phòng cấp cứu.
Vào tới nơi, tôi hoảng hốt trình bày với các bác sĩ, nhân viên áo trắng... nhưng họ đứng một nhóm rất đông, tôi không biết ai là người có phận sự tiếp đón bệnh nhân, và cũng chẳng ai buồn tiếp nhận ca của mẹ con tôi.
Mãi một lúc sau mới có một người đến, bảo tôi mua một cuốn sổ khám, rồi nói "Chị trả 5 ngàn", tôi như van xin: "Cô ơi, nhiêu tiền tôi cũng đóng, nhờ cô nhanh lên cho con tôi cấp cứu!".
Đến lúc con tôi được khám, bác sĩ hỏi nguyên do cấp cứu, rồi buông một câu: "Trông con cái kiểu gì đấy!". Thế rồi, bác sĩ bảo tôi đưa con đi chụp X-quang phổi, nhưng không một ai hướng dẫn phòng chụp ở đâu.
Mãi đến khi tìm được phòng chụp X-quang thì tôi phải xếp sổ, chờ đến lượt, chụp xong cũng phải chờ 30 phút họ mới trả tất cả kết quả cùng đợt...".
Đó là câu chuyện rất thật vừa xảy ra mà Tuổi Trẻ ghi lại được tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã cho thấy một hệ thống thủ tục hành chính rất rườm rà đang đè níu các bệnh viện công lập trong cả nước.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho hay thủ tục hành chính là một trong những rắc rối góp phần dẫn đến thời gian chờ khám hiện đang kéo dài.
Theo ông Tuấn, Bệnh viện Tim Hà Nội được đánh giá là bệnh viện có thủ tục nhanh nhất nước (từ lúc nhập viện đến khi nhận đơn thuốc), nhưng đến nay chỉ dừng lại con số 105 phút. Trong khi chuẩn là 90 phút.
Người dân mua thuốc tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh
Bộ Y tế có bị oan?
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Bộ Y tế đứng áp chót bảng xếp hạng, trao đổi với Tuổi Trẻ, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng có những điểm vừa mới được công bố là đúng, Bộ Y tế cần cải cách, nhưng có những điểm bộ cần giải thích thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Y tế còn cho rằng nhiều điểm Bộ Y tế bị chấm oan. Cụ thể, theo vị lãnh đạo này, việc mỗi năm lại bổ sung thêm các tiêu chí vào bảng điểm cho thấy không cùng một bộ công cụ, không cùng chiếc "cân" nên rất khó đánh giá.
"Bộ Y tế có triển khai danh mục nhận thủ tục hành chính qua đường công ích nhưng người dân không gửi qua đó, và chúng tôi vẫn bị trừ 2,5 điểm" - vị này nhận xét.
Tuy vậy, Bộ Y tế cũng thừa nhận có hai điểm chưa đạt, đó là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và việc cập nhật, kiểm soát việc ban hành các thủ tục hành chính chưa kịp thời.
"Khi chấm thì có một số điểm bộ bị áp đặt, chúng tôi cập nhật muộn thì bị trừ điểm là đúng rồi, nhưng rõ ràng chúng tôi có công bố. Bộ Y tế cũng đề nghị bộ chỉ số tới đây nên bám sát nội dung cải cách hành chính theo tinh thần nghị quyết 30 và nên xem xét đến đặc trưng của từng bộ ngành. Bởi Bộ Y tế xây dựng rất nhiều văn bản" - vị này góp ý.
Biểu đồ về mức độ không hài lòng của người bệnh đối với 15 tiêu chí trong tháng 4-2018 - Nguồn: Sở Y tế TP.HCM, Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Hệ thống đăng ký khám bệnh bằng máy tự động được đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Bá Dũng
Đà Nẵng: "số hóa" thủ tục để giảm phiền hà
Ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy nhiều năm nay mục tiêu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ đang được đặt lên hàng đầu trên cả hai yếu tố: con người và máy móc.
Theo đó, tại khu vực tiếp đón bệnh nhân, người nhà - người bệnh chỉ việc bấm số thứ tự và chờ (5-7 phút) để đến phiên mình làm thủ tục.
Đó là chưa kể từ ngày 2/4 bệnh viện này đã áp dụng chương trình đặt lịch khám thông qua website hoặc gọi điện thoại tới số tổng đài bệnh viện hoặc nhắn tin để đặt lịch khám bệnh theo ý mình.
Trên số lượng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lên lịch và tổng đài sẽ tự động gửi về mã số đi kèm thời gian hẹn khám. Đúng giờ hẹn, khách hàng có thể tới phòng khám và đưa tin nhắn, email phản hồi hoặc mã trên web để được thăm khám.
Ông Lê Đức Nhân - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết đây là một trong những dịch vụ y tế thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin vượt bậc giảm tối đa thời gian, sự phiền hà đối với người bệnh.
Hiện lượng bệnh nhân đăng ký giờ khám thông qua dịch vụ này đang tăng dần, giảm tải hẳn ở các giờ cao điểm tại các khoa phòng.
Ngoài ra, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đang áp dụng nhiều thiết bị máy móc rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người bệnh như hệ thống đăng ký khám bệnh bằng máy tự động đối với bệnh nhân diện bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân chỉ cần tới máy và quét mã vạch trên hệ thống, màn hình hiển thị ra tên - tuổi, bệnh nhân có quyền chọn khoa phòng để khám và được trả lại phiếu hẹn giờ. Cách làm này loại bỏ hẳn quy trình kiểm tra, đăng nhập và vào sổ thẻ bảo hiểm y tế như lâu nay.
Cũng theo ông Nhân, do hoạt động theo mô hình tự chủ nên việc đổi mới hình thức tiếp đón, nâng cao chất lượng để kéo bệnh nhân tới là điều bắt buộc phải làm, đây cũng là xu thế để rút ngắn khoảng cách giữa bệnh viện công - tư.
Theo Tuổi trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy