2018 tiếp tục là 1 năm thành công của ngành ngân hàng với những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, diễn biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần) thì lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9 - 11%/năm.
Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược khẳng định hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Chiến lược đưa ra các mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn:
Giai đoạn 2018 - 2020: Phấn đấu đến năm 2020 các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 - 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM CP trên thị trường chứng khoán Việt Nam; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Giai đoạn 2021 – 2025: Tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16-17%; nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3%.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành ngân hàng Việt Nam phải không ngừng nỗ lực tận dụng các cơ hội và vượt qua mọi thách thức từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước.
Trong bối cảnh diễn biến khó lường của kinh tế thế giới cùng những thuận lợi đan xen không ít rủi ro, thách thức của kinh tế trong nước, để đạt được mục tiêu mà chiến lược đã đặt ra, các ngân hàng Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:
Thứ nhất là lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống, cụ thể: tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các NHTM, bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản; khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng lành mạnh hoặc các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia tái cơ cấu các NHTM cổ phần yếu kém; mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện của các ngân hàng để hình thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Trong đó trọng tâm là hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam; hoàn thiện và áp dụng các quy định về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt; đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về quản trị và an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần đổi mới hoạt động theo xu thế mới. Cụ thể: chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực phi tài chính, nhiều rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế; các ngân hàng chủ động xây dựng/điều chỉnh Chiến lược kinh doanh phù hợp với giai đoạn mới; trong đó hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ rõ ràng, chú trọng phát triển các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh dịch vụ phi tín dụng nhằm tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng; nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng cải thiện thái độ phục vụ, đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Thứ tư là hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM. Nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi phù hợp với quy mô, mức độ phức tạp hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của ngân hàng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm, dịch vụ, vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro. Đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc trên di động. Áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới. Xây dựng chuẩn thẻ chíp nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh từng chia sẻ, phía NHNN đã rút ra những bài học kinh nghiệm cơ bản làm tiền đề xây dựng Chiến lược. Đó là, cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn, theo đó chính sách tiền tệ phải kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát. Phương thức điều hành phải chủ động, linh hoạt; coi trọng yếu tố ổn định, lành mạnh, bền vững trong hoạt động ngân hàng; tránh tình trạng phát triển nóng theo phong trào, phát triển theo chiều rộng mà không chú trọng tới chất lượng hoạt động, phát triển thiếu bền vững. Chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong quản lý, điều hành và sử dụng các công cụ chính sách, bảo đảm tính minh bạch và kỷ luật thị trường nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Mai An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy