Dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn SMS của nhà mạng được chào mời công khai
Không còn lạ với những tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo nhưng điều gây khó chịu cho người tiêu dùng là trong vài tháng gần đây, tình trạng “bom” tin nhắn rác càng bùng phát dữ dội. “Chưa bao giờ tin nhắn rác nhiều như hiện nay. Tôi cho rằng không một chủ thuê bao nào thoát khỏi tình trạng bị tin nhắn rác làm phiền”, anh T.Q, chủ thuê bao 09131956xx, nhận định.
Dội “bom” tin rác để thu lợi
Một kết quả khảo sát hằng tháng gần đây của Công ty an ninh mạng BKAV cũng cho thấy tin nhắn rác không hề giảm đi. Bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác. Với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, họ phải nhận hơn 2 tin nhắn rác/ngày. Cùng với việc bị làm phiền, quấy rối bởi tin nhắn rác, người dùng còn đứng trước nguy cơ bị lừa đảo. Kẻ xấu có thể nhắn tin nhờ nạp thẻ điện thoại, thông báo trúng thưởng nhằm lừa tiền của người dùng...
Trong khi đó, nhà mạng tha hồ hốt bạc. Theo một thống kê tình hình tin nhắn rác của BKAV, trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại của người dùng tại VN, nếu trung bình thu cước 300 đồng/một tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng mỗi ngày, tức gần 100 tỉ đồng mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu phát triển Công ty an ninh mạng BKAV, phân tích: “Nếu tin nhắn rác được phát tán từ các số điện thoại thông thường thì khi gửi tin, nhà mạng đã thu được phí nhắn tin. Còn khi người dùng nhắn tin đến các tổng đài đầu số dịch vụ như 7xx, 8xx thì mỗi tin nhắn mất 15.000 đồng, trong đó nhà mạng thu từ 40 - 50%. Như vậy có thể thấy số tiền thu được qua tin nhắn là một con số khổng lồ”.
Tự đăng ký rồi trừ tiền khách
Điều đáng nói hơn, người dùng điện thoại còn đang bị móc túi âm thầm bởi những dịch vụ thu phí của nhà mạng. Chị N.T.N, ngụ Q.4 (TP.HCM), bức xúc: “Tôi là một khách hàng thuê bao lâu năm của Viettel và thật sự thất vọng với nhà mạng này về việc thiếu tôn trọng khách hàng. Đơn cử là dịch vụ nhạc chờ Imuzik có người thích và có người không thích sử dụng, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng thì tự đăng ký sử dụng, nhưng Viettel lại tự động kích hoạt đăng ký cho thuê bao của tôi mà không cần hỏi ý kiến”.
Đối với trường hợp này, nhân viên Viettel trả lời “khách hàng được hệ thống tự động đăng ký miễn phí 1 tháng sử dụng dịch vụ Imuzik và nhắn tin thông báo cho khách hàng. Nếu hết thời gian khuyến mãi khách hàng không có nhu cầu sử dụng thì có thể soạn tin nhắn để hủy”. Chị N. phản ứng: “Tôi ví dụ xe bạn đang sử dụng cái kèn nghe vừa lỗ tai, tự nhiên có người đem gắn cho bạn cái kèn khác rồi bảo không thích thì đem ra thợ tháo ra. Đây rõ ràng là hành động quá vô lý. Ai lại đi tự cài dịch vụ rồi bắt người dùng nếu không thích thì phải nhắn tin hủy, nếu ai không để ý thì cứ tiếp tục bị trừ tiền”.
Nhiều khách hàng khác bức xúc chuyện họ bị trừ rất nhiều tiền chỉ vì trót kích hoạt vào các dịch vụ cung cấp tin nhắn cài đặt sẵn trên sim điện thoại. Các loại dịch vụ được cài sẵn trên sim chủ yếu là tin nhắn xổ số, kết quả bóng đá, truyện cười, hay trò chơi… Những dịch vụ này được gửi từ chính nhà mạng rồi tự động trừ tiền trong tài khoản điện thoại của khách hàng.
Anh N.S.N, ngụ Q.Tân Bình, kể: “Sim điện thoại Vinaphone của tôi bị cài đặt ứng dụng Max SIM. Chỉ trong vòng 10 phút buổi tối dịch vụ này đã nhắn đến 4 tin vào điện thoại của tôi, hết kết quả xổ số rồi đến giải trí, tử vi. Tôi muốn xóa ứng dụng này khỏi máy mà không thể xóa được. Khó chịu nhất là tin nhắn kiểu này tự động bật sáng màn hình điện thoại cho đến khi nào tôi phát hiện, bấm tắt. Những lúc đang đi xe trên đường, thấy điện thoại nóng ran, dừng xe mới phát hiện tin nhắn này đang đốt pin của điện thoại”.
Bỏ mặc “thượng đế” kêu than
Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết: “Hệ thống siêu thị chúng tôi có trên 2 triệu khách hàng thân thiết, mỗi khi có chương trình khuyến mãi lớn thì chi phí nhắn tin thông qua tổng đài của nhà mạng lên đến hàng tỉ đồng. Từ đó cho thấy doanh thu tin nhắn của các nhà mạng rất lớn”.
Nguồn lợi nhuận là lý do duy nhất khiến các nhà mạng chẳng đoái hoài gì đến những ta thán của khách hàng. “Đứng về góc độ kỹ thuật thì các nhà mạng có thể ngăn chặn được các tin nhắn rác từ các tổng đài nội dung hoặc từ chính nhà mạng. Tuy nhiên, dường như các nhà mạng không muốn vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu. Riêng việc tích hợp sẵn các dịch vụ trong SIM điện thoại thì nhà mạng đã mập mờ trong việc cung cấp nội dung, đánh lừa người sử dụng. Có thể nói nhà mạng đang quá tham lam”, ông Vũ Ngọc Sơn nhận định.
Theo Thanhnien.com.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy