Dòng sự kiện:
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ: Việt Nam có thể có cơ hội mới
20/07/2018 05:44:53
Trao đổi với báo giới về tác động của chiến tranh thương mại (CTTM) Trung – Mỹ hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, Việt Nam có thể ở vị thế chịu

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là “đòn gió”, quan điểm của ông?

Tôi cho rằng đây là những gì mà người Mỹ đã muốn làm từ rất lâu, nhưng không dễ gì thực hiện được. Bởi Trung Quốc cũng là một nước lớn và họ cũng có trong tay những cơ chế và công cụ khiến cho Mỹ không dễ hành động được.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành

CTTM là việc làm bất đắc dĩ trong quan hệ giữa các nước vì như vậy chẳng khác nào tự “ghè đá” vào chân mình. Nhưng rất có thể Tổng thống Trump và đội ngũ tư vấn của ông ấy đã tính toán kỹ và quan điểm của họ là “mối quan hệ thương mại Trung - Mỹ nhiều điểm không công bằng”, khi họ lý giải về các vấn đề liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao hoặc đánh cắp công nghệ… Họ muốn hành động để giữ lấy những công nghệ cốt lõi của mình, không để Trung Quốc cạnh tranh và qua mặt.

Cuộc chiến này ảnh hưởng, thách thức thế nào đến xuất khẩu của Việt Nam?

CTTM Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng phức tạp, đa dạng, nhiều chiều. Ảnh hưởng ngay và lớn nhất là đến tỷ giá, khi tương quan giữa các đồng tiền sẽ thay đổi. VND cũng nằm trong tương quan chung đó. Tôi thấy bức tranh này là bức tranh pha trộn, bởi nhập hàng nguyên liệu từ Trung Quốc về để chế biến thì rẻ đi (nhờ tỷ giá), trong khi xuất khẩu sang Mỹ lại đắt lên (do đồng USD tăng giá). Thậm chí là với nhiều hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nay bị ngăn chặn, đánh thuế cao lên thì các hàng xuất khẩu tương tự của Việt Nam vào Mỹ cũng sẽ được lợi. Hay một yếu tố nữa là với các hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nay bị Trung Quốc trả đũa - mà đấy cũng là những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc - thì có thể hàng Việt Nam thay thế được phần nào nên cũng có thể được lợi.

Về mặt tiêu cực, hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam (chủ yếu là hàng giá rẻ) thông qua áp lực về lượng cung thừa, áp lực tỷ giá... như tôi đã nói thì có thể tăng lên. Nên tôi cho rằng đây là một bức tranh pha trộn nhưng xét tổng thể thì Việt Nam có thể có lợi nhiều hơn.

Như ông vừa nói, CTTM này có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc đổ dồn sang Việt Nam, hay nhiều hàng củaTrung Quốc sang Việt Nam và chỉ đóng mác để xuất sang Mỹ (nôm na là một hình thức “tạm nhập, tái xuất”) thì điều này có phương hại gì đến hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ, theo ông?

Tình trạng “tạm nhập, tái xuất” đã diễn ra từ trước rồi, nhưng với cuộc chiến này thì có thể sẽ mạnh hơn, gia tăng hơn nữa. Điều này thì Việt Nam không có lợi lộc gì ngoài có thể có một chút lời thu về từ dịch vụ. Quan trọng là việc này nếu bị lạm dụng, trên quy mô lớn thì Mỹ có thể sẽ áp dụng biện pháp điều tra truy nguyên nguồn gốc, và nếu họ phát hiện ra điều đó thì họ sẽ phải xử lý những lô hàng hay những cách làm như vậy.

Còn về sức ép của hàng hóa Trung Quốc đổ dồn sang Việt Nam thì có thể Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng chỉ ở “rìa cơn bão” thôi, tức là không phải hàng hóa Trung Quốc không vào được Mỹ thì quay về tràn vào Việt Nam. Câu chuyện không đơn giản như thế, và thị trường của chúng ta cũng không thể nào hấp thụ được ở quy mô đó. Nên tôi cho rằng, hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng vào Mỹ, chỉ là sẽ qua con đường nào, kênh nào mà thôi. Nếu các DN Việt Nam chấp nhận điều đó (ý là nhập hàng Trung Quốc, đóng mác rồi xuất sang Mỹ) thì Việt Nam rất có thể phải chịu những điều tra của Mỹ.

Hơn nữa chúng ta cũng thấy, bản thân Trung Quốc khi có sự phát triển lên thì sẽ có sự dịch chuyển thương mại. Như Trung Quốc gần đây cấm nhập khẩu rác chế biến chẳng hạn thì xuất hiện nguy cơ rác thải có thể chuyển sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa tình trạng này.

Trong khi đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc giảm giá thì ở chiều ngược lại, đồng USD lại liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua. Vậy theo ông thì các NHTW trên thế giới sẽ hành động như thế nào để đối phó với tình hình này?

Đồng USD trong xu hướng tăng bởi kinh tế Mỹ trong khoảng 2 năm trở lại đây liên tục cải thiện đà tăng trưởng, trong khi lạm phát tăng dần và tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp nên họ phải tăng dần lãi suất lên mà lãi suất tăng thì USD tăng giá.

Tôi nghĩ các nước sẽ đối phó với tình hình này theo các cách khác nhau. Ví dụ với các nước muốn duy trì xuất khẩu mạnh hơn sang Mỹ thì trong xu thế đồng USD tăng, họ sẽ muốn giữ đồng tiền nội tệ của mình yếu – tức là họ sẽ vẫn duy trì các chính sách như hiện có.

Với Việt Nam cũng vậy, muốn tăng xuất khẩu thì duy trì VND yếu là một lựa chọn. Tuy nhiên, ở mình có một đặc điểm khác là chúng ta cũng phải nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ nước ngoài. Cho nên nếu để cho VND yếu đi thì việc nhập khẩu sẽ khiến giá cả tăng lên và nó sẽ ảnh hưởng đến những ngành mà dùng nhiều nguyên liệu từ nước ngoài. Thế thì với bức tranh pha trộn như vậy, Việt Nam thường muốn giữ cho tỷ giá ở mức khá ổn định.

Tôi đề xuất một phương án là chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt, ở mức nằm giữa mức mất giá của CNY so với USD. Như thế có lợi thế xuất khẩu sang Mỹ, mà vẫn có lợi nhờ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc rẻ hơn, nhưng cũng không làm hàng tiêu dùng Trung Quốc trở nên quá rẻ mà gây tổn thương đến các DN nội địa của ta.

Việt Nam có thể đối phó thế nào trước những thách thức từ cuộc chiến này, như việc hàng hóa Trung Quốc có thể vào mạnh hơn?

Tôi nghĩ ứng xử cần tùy theo nhóm hàng từ Trung Quốc. Trong đó đối với hàng tiêu dùng của Trung Quốc thì cần phải có sự thận trọng. Về lý thuyết thì cũng không khó đâu, như tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu, đặt ra các điều kiện như cách chúng ta đang làm với ô tô nhập khẩu từ ASEAN (mà dường như đang có tác dụng mạnh). Nhưng cũng cần thận trọng với khả năng trả đũa, vì nếu họ thấy mình có những biện pháp rõ ràng để ngăn chặn hàng hóa của họ thì họ sẽ trả đũa hàng hóa của mình. Ở đây đúng kiểu là chúng ta ở vị thế có thể chịu “tai bay, vạ gió”.

Còn đối với hàng nguyên liệu từ Trung Quốc thì tôi nghĩ không cần phải đối phó gì, cứ để kệ thị trường thôi. Lý do như tôi đã phân tích ở trên, nguyên liệu mua về để sản xuất rồi mình lại xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu mà hàng nguyên liệu nhập khẩu về thì rẻ đi (do CNY giảm) sau đó qua sản xuất, chế biến rồi bán sang Mỹ thì được lợi (do USD tăng), như vậy chúng ta được lợi kép. Nên điều này sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Tức là có lợi về giá, dù lượng có thể vẫn vậy. Tóm lại bức tranh này rất pha trộn, người được lợi, người bị ảnh hưởng tiêu cực chứ không phải chịu thiệt hại hết. Nên những DN linh hoạt, nhạy bén thì có thể thấy đây như một cơ hội cho họ.

Xin cảm ơn ông!

Nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nói: “Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, chúng tôi vẫn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không khác nhiều so với lần dự báo gần đây, khi dự báo tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%”.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến