Dòng sự kiện:
Chiến trường cho tôi thêm bản lĩnh
05/05/2015 08:48:13
Bây giờ, mái tóc ông đã bạc trắng. Suốt cuộc đời ông đi theo cách mạng, từ chiến khu Việt Bắc đến 11 năm sống trong "R" ở mảnh đất phương Nam. Đất nước thống nhất, ông mới trở về nơi chôn rau cắt rốn, nơi từng vang lên tiếng trống năm 30 (Tiền Hải, Thái Bình) thì những người thân yêu nhất đã đi xa…
Tôi đến gặp ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Trưởng phòng thuộc Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an vào một ngày cuối tuần, trời Hà Nội mưa rả rích. Khu nhà tập thể nơi gia đình ông sinh sống càng thêm ẩm thấp hắt hiu. Đó là một khu nhà cao tầng lắp ghép đã quá cũ kỹ, từng mảng vôi vữa bị sứt mẻ lung tung. Khu nhà này đã được xây dựng mấy chục năm về trước. Đã nhiều năm trôi qua, gia đình ông vẫn ở đó không có gì thay đổi, đạm bạc và quá đỗi đơn sơ.

Ông kể, bố ông hoạt động cách mạng ở Tiền Hải (Thái Bình) vào những năm 30 của thế kỷ trước, từng bị địch bắt nhưng đã trốn thoát và dẫn theo cậu con trai (Tạ Văn Hiếu, sau này hoạt động cách mạng đổi tên là Nguyễn Trung Chính) lên Hà Nội và gửi một người bạn ở trường thiếu sinh quân. Sau đó, Nguyễn Trung Chính được tuyển vào lực lượng Công an. Những học sinh ưu tú được chọn đưa vào lực lượng Cảnh vệ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Vốn là một người thông minh sáng dạ và có ý thức rèn luyện nên ông được cử sang Nga học về giám định khoa học hình sự. Về nước, ông Chính là một trong  số những người đầu tiên góp phần thành lập Viện Khoa học hình sự.

Vào năm 1964, đất nước cần những cán bộ Công an miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Công an lựa chọn một số cán bộ làm tốt công tác khoa học kỹ thuật vào Nam để phục vụ yêu cầu công tác cấp bách. Ông Chính cùng 2 cán bộ có trình độ chuyên môn tốt có thể đáp ứng được yêu cầu.

Ông vẫn còn nhớ trước khi lên đường vào Nam, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ cụ thể. Vào đó, phải nghiên cứu làm giấy tờ giả để bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch. VàoNam là cả một chặng đường gian khổ, nhưng đất nước gọi, tuổi trẻ lên đường. Ông tạm biệt gia đình thân yêu ra đi mà trong lòng tràn đầy niềm tin vào ngày mai thắng lợi. "Vào đến Trung ương Cục miền Nam ở tỉnh Tây Ninh, ông Cao Đăng Chiếm - sau là Thứ trưởng Bộ Công an phân công tôi về Tiểu ban Chính trị. Tôi về B6 trường đào tạo cán bộ miềnNam". Lúc ấy ông là một cán bộ Công an được đào tạo về lĩnh vực khoa học hình sự từ nước ngoài mới về nước nên hăng hái lắm, làm gì cũng nhiệt tình. Đang làm giáo viên dạy ở trường, ông lại được phân công về vùng căn cứ cách mạng để hoạt động phong trào vận động quần chúng.

Ông Chính kể: "Với lòng đam mê nên việc gì tôi cũng làm tốt, hoạt động ở khắp các tỉnh miền Trung Nam Bộ, từ Long An, An Giang, Bến Tre, Mỹ Tho... Bà con biết chúng tôi là cán bộ "R" thì yêu quý như con, cấp trên thì tin tưởng. Ông Năm Trà là Phó Ban An ninh giao cho tôi nhiệm vụ làm chánh văn phòng, phụ trách công tác kỹ thuật…".

Còn nhớ một lần, làm giấy tờ giả cho các điệp báo viên ra vào vùng địch sao cho "hợp pháp", ông Chính đã gặp nguy hiểm, suýt bị… chết đuối dưới sông. Hôm ấy, ông phải vào vùng địch chiếm đóng làm căn cước giả. Nếu đưa người của ta ra thì sợ địch sẽ phát hiện, vì thế ông phải vào tận nơi và đến gặp từng người để lăn tay, chụp ảnh… sao cho có một tấm căn cước như ý. Làm bí mật như vậy nên thường tiến hành vào ban đêm.

Đêm ấy ở An Giang, đang tiến hành làm căn cước thì địch đi càn, khi chúng gần đến nơi thì ông chủ nhà bảo: "Anh phải nhảy xuống sông đi. Tí nữa địch đi qua thì anh hãy lên". Chẳng còn cách nào khác, dù chẳng biết bơi mà phải nhảy xuống vùng sông nước mênh mông nên ông cũng… hú vía. Tại hội nghị của Tổng cục Cảnh sát mới đây, ông kể một kỷ niệm chiến trường. Khi ông đang lăn tay cho một cán bộ cơ sở thì được tin địch đi càn. Ông thu gom đồ đạc để giấu kín vào một nhà dân. Bất ngờ bọn địch đến, ông bình tĩnh bảo chủ nhà: "Pha cho tôi ấm nước", rồi ngồi ở bàn vắt chân uống nước. Khi tên ác ôn đến hất hàm hỏi: "Hộ khẩu đâu?", "Cậu bảo chỉ huy cậu đến đây". Khi tên chỉ huy có mặt, với chất giọng Nam Bộ lơ lớ, ông Chính đã nói cho hắn biết ông chính là Việt Cộng, về đây hoạt động cách mạng để giải phóng dân tộc. Rồi ông quả quyết: "Tao chết cũng được, nhưng chết vì dân vì nước. Còn mày chỉ là thằng lính đánh thuê, cả nhà mày trông cậy vào đồng lương của mày. Mày giết tao thì ngày mai mày cũng chết…".

Hoảng hốt, sửng sốt trước thái độ của ông, tên ác ôn đã phải đổi ý, để cho ông đi. Vậy là ông nhanh chóng hòa vào màn đêm, trở về căn cứ… Suốt 11 năm ở "R" (1964-1975) ông đã từng trải qua nhiều phen hú vía, nhiều tình thế nguy cấp nhưng khí tiết của người chiến sĩ An ninh sống trong vùng địch đã tôi luyện cho ông có bản lĩnh và sự mưu trí.

Đất nước khải hoàn ca, từng đoàn quân cách mạng tiến về tiếp quản vùng giải phóng. Lúc này nhiệm vụ của người làm khoa học hình sự càng bộn bề, phải tiến hành làm căn cước, chứng minh nhân dân, giấy tờ thu hồi vũ khí, đăng ký trình diện... Ông cứ "vắt chân lên cổ" mà làm cũng chẳng kịp, máy in quá tải đến nỗi cháy cả môtơ…

Năm 1976 trở về miền Bắc, cha mẹ, anh em ruột thịt chẳng còn ai, tóc đã chớm bạc mà Nguyễn Trung Chính vẫn chưa có một mái ấm gia đình. Ông sang CHDC Đức (cũ) học nghiên cứu chiến thuật phương pháp tìm ra tội phạm bằng khoa học hình sự, trở thành một trong những cán bộ cốt cán của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát.

Kim Quý (cand.com.vn)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến