Chiêu trò rút tiền của bà Sáu Phấn
26/03/2017 08:49:06
Bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và ban điều hành của TrustBank mua, nâng giá mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (P.6, Q.3, TP.HCM) từ Công ty TNHH địa ốc Lam Giang với giá hơn 1.250 tỉ đồng.

Tin liên quan

TrustBank về sau đã được bán và đổi tên thành VNCB

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của bà Hứa Thị Phấn (còn gọi là Sáu Phấn, 70 tuổi, tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài bà Phấn, 5 bị can nguyên lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) cũng bị khởi tố cùng tội danh này với vai trò đồng phạm.

Tháng 9.2016, TAND TP.HCM tuyên án bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm đồng thời ra quyết định khởi tố tại tòa vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TrustBank. Trong đó, bà Phấn và một số nguyên lãnh đạo, cán bộ TrustBank có hành vi sai phạm dẫn đến thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho ông Danh, trong giai đoạn 2 của vụ án đến nay đã được C46 điều tra làm rõ sai phạm.

Bà Phấn là người nắm giữ hơn 84% cổ phần TrustBank và nắm quyền kiểm soát TrustBank trước khi chuyển nhượng cho Phạm Công Danh vào năm 2012. Trước đó, từ cuối năm 2008, bà Phấn được bổ nhiệm làm cố vấn cao cấp của HĐQT, sau đó chuyển sang tham gia Hội đồng tín dụng của TrustBank.

Theo cơ quan điều tra, năm 2011, bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và ban điều hành của TrustBank mua, nâng giá mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (P.6, Q.3, TP.HCM) từ Công ty TNHH địa ốc Lam Giang với giá hơn 1.250 tỉ đồng. Thực chất, Công ty Lam Giang cũng của bà Phấn, nhưng người khác đứng tên. Căn nhà trên có diện tích hơn 600 m2, được TrustBank định giá vào thời điểm đó là hơn 290 tỉ đồng.

Đến năm 2012, Công ty Lam Giang và TrustBank hủy hợp đồng mua bán trên. Sau đó, căn nhà được chính bà Phấn mua lại từ Công ty Lam Giang với giá 450 tỉ đồng. Vài ngày sau, căn nhà trên lại được bán cho TrustBank với giá gần 1.300 tỉ đồng. Việc mua bán này vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, đến nay không thu hồi được hơn 1.100 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã định giá giá trị bất động sản này chỉ có 150 tỉ đồng.

Những lãnh đạo được cho là làm theo chỉ đạo của bà Phấn gây thất thoát số tiền của TrustBank gồm Hoàng Văn Toàn (53 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (47 tuổi, ngụ Q.10, nguyên Tổng giám đốc TrustBank), Ngô Kim Huệ (ngụ Q.Thủ Đức, nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank). Những người này đã bị C46 khởi tố từ tháng 1.2017 cùng hành vi với bà Phấn nhưng với vai trò đồng phạm.

Ngoài ra, bà Phấn còn chỉ đạo giải ngân, hạch toán thu chi khống gần 5.000 tỉ đồng tiền vay đứng tên nhóm Phương Trang tại TrustBank. Cụ thể, từ năm 2010 đến 2012, nhóm Phương Trang có 16 công ty và 14 cá nhân ký 47 hợp đồng tín dụng. Đến năm 2014, TrustBank đã đổi tên thành VNCB, lãnh đạo ngân hàng phát hiện có 47 hợp đồng vay đã quá hạn tất toán và khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Phương Trang trị giá gần 17.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, bà Phấn đã sử dụng phần lớn số tiền này để đáo hạn, trả nợ các khoản vay đứng tên các công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác với nhóm Phương Trang và nhóm Phú Mỹ, mở sổ tiết kiệm nhờ người đứng tên. Sau khi điều tra phát hiện bà Phấn đã chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên của TrustBank lập chứng từ thu khống để tạo nguồn thu cho bà Phấn sử dụng. Hành vi này gây thiệt hại cho TrustBank gần 5.000 tỉ đồng không thể thu hồi nợ của nhóm Phương Trang. Mặc dù cơ quan điều tra triệu tập bà Phấn nhiều lần để làm rõ hành vi sai phạm của bà, nhưng lấy lý do sức khỏe già yếu, bà Phấn liên tục nhập viện để từ chối làm việc.

Theo Thanh niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến