Tiện lợi thương mại điện tử, dễ dàng gian lận
Sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình bán hàng online đã mở ra nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ lừa đảo tinh vi từ những kẻ lừa đảo giả danh shipper.
Thông tin tới Người Đưa Tin, chị Ngọc Ngân (Hà Nội) cho biết, khoảng 11h ngày 6/8/2024, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +84392321931 tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo chị có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển 275.000 đồng vào tài khoản 058010001 tại ngân hàng VIB.
Chị Ngân không mảy may nghi ngờ mà thanh toán luôn, sau khi chuyển tiền thành công chị tiếp tục nhận được tin nhắn từ shipper cho biết do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.
Đồng thời, người tự nhận là shipper này cũng gửi kèm cho chị một đường link nói là trang facebook của trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng giả danh shipper.
Đối tượng liên tục gọi điện thúc giục chị Ngân vào link trên để nhắn tin hủy đăng ký: "Chỉ mất 3 đến 5 phút thôi ạ. Chị hủy giúp e với. Không hàng tháng bên em lại khấu trừ số tài khoản chị đó".
Nhận thấy có điều bất thường, chị Ngân đã ngay lập tức dừng lại và xóa hết tin nhắn để tránh không bấm vào đường link xấu.
"Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa. Nếu không tỉnh táo dừng lại ngay mà bấm vào đường link thì có lẽ tôi sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Các chiêu lừa liên tục thay đổi cách thức khó lường và rất tinh vi", chị Ngân chia sẻ.
Một trường hợp khác cũng tương tự, ngày 15/7 vừa qua, bạn Mai (sinh viên) cũng bị đối tượng giả danh shipper từ đơn vị vận chuyển Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) lừa 1 triệu đồng.
Hay trước đó, chị Mai Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi thông báo shipper giao hàng tại nhà và yêu cầu chị chuyển khoản tiền hàng. Tuy nhiên, lúc này chị Linh đã đi vắng nên yêu cầu shipper chụp ảnh đơn hàng. Đối tượng lại vòng vo nói rằng đơn hàng trên sản phẩm in mờ không nhìn rõ và đã gửi cho người nhà rồi.
Nảy sinh nghi ngờ, chị Linh đã liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại và phát hiện mình bị lừa. Đơn hàng thật của chị vẫn chưa được giao và số điện thoại kia không phải là của nhân viên giao hàng công ty đó.
Chủ shop cũng méo mặt vì shipper giả
Tình trạng này cũng xuất phát từ việc thông tin đơn hàng bị rò rỉ qua ứng dụng giao hàng. Thông thường, các shipper sẽ phải ứng cho chủ shop một số tiền theo giá trị đơn hàng để nhận hàng, sau đó nhận lại số tiền đó từ khách. Tuy nhiên, có không ít trường hợp chủ shop mất hàng vì giao nhầm đồ cho shipper giả danh.
Chị Thu Hảo, chủ một cửa hàng bán quần áo trực tuyến tại Hà Đông, vừa trải qua một trải nghiệm đáng tiếc khi giao hàng cho một đối tượng giả mạo là shipper của ứng dụng đặt hàng.
Do không kiểm tra kỹ thông tin của shipper, chị Thu Hảo đã vô tư giao món hàng không cần “ship cod” (ship cod là hình thức giao hàng trước, sau đó mới trả tiền) cho một đối tượng không phải là shipper đã nhận đơn trên ứng dụng. Người này đã nhanh chóng lấy được món hàng 3 triệu đồng và nhanh chóng biến mất.
Nhiều chủ shop không kiểm tra kỹ thông tin mà vô tư giao món hàng cho các shipper.
"Khi tôi liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của ứng dụng, họ cho biết rằng lúc tôi lên đơn, tất cả các shipper xung quanh địa điểm nhận hàng đều nhận được thông tin của tôi.
Từ đó, có shipper xấu sẽ cố gắng đến trước và báo là shipper của đơn hàng đó, để lừa lấy hàng. Trường hợp này bên ứng dụng không thể quản lý được và buộc các chủ shop phải kiểm tra kỹ thông tin shipper trước khi giao hàng", chị Hảo chia sẻ.
Cũng phải nói thêm rằng, nhiều người khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Hành động để lại số điện thoại, địa chỉ cá nhân công khai trên các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng để ship hàng lừa đảo.
Hoặc thói quen vứt bao bì gói hàng có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên ngoài cũng tạo điều kiện cho kẻ gian biết được sở thích mua sắm của người mua rồi từ đó lên kế hoạch giăng bẫy.
Việc để lại số điện thoại, địa chỉ cá nhân công khai trên các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng để ship hàng lừa đảo.
Chị Hồng Thanh, chủ một shop quần áo ở Tuyên Quang từng bị kẻ gian lấy được thông tin số điện thoại và địa chỉ cửa hàng trên trang cá nhân. Sau đó, lợi dụng chị không có mặt ở shop mà chỉ có nhân viên, shipper đã liên hệ với nhân viên để giao một món hàng mà chị Thanh không hề đặt.
Nhân viên của chị cũng sơ suất không kiểm tra lại từ chị Thanh và chủ động thanh toán tiền cho món hàng “từ trên trời rơi xuống”. Có thể thấy, có những kẻ lừa đảo thực sự tinh vi khi biết được thói quen, lịch sinh hoạt của nạn nhân.
Cần đề cao cảnh giác
Việc mạo danh nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản đang gia tăng một cách đáng báo động. Những kẻ gian xảo này không chỉ nhắm vào người tiêu dùng mà còn lợi dụng uy tín của các đơn vị vận chuyển để thực hiện các thủ đoạn tinh vi.
Chia sẻ với phóng viên, Trưởng ban Pháp chế - Công ty CP giao hàng tiết kiệm (GHTK) cho biết, đây không phải là tình trạng riêng của GHTK mà đang là thực trạng chung của nhiều đơn vị vận chuyển khác. Những kẻ lừa đảo sau khi "móc túi" của người dân, còn lợi dụng danh tiếng của các công ty giao hàng để tiếp tục tiến hành các hành vi phạm pháp.
"Chúng tôi khẳng định, GHTK không có bất cứ hình thức đăng ký hội viên nào bằng cách chuyển khoản tới bất kỳ cá nhân nào. Vì vậy khi người dân nhận được những đề nghị yêu cầu chuyển khoản như trên chúng tôi khẳng định đây là của các đối tượng lừa đảo", ông Đặng Minh Nam - Trưởng ban Pháp chế giao hàng tiết kiệm nhấn mạnh.
Ông Đặng Minh Nam - Trưởng ban Pháp chế giao hàng tiết kiệm
Không chỉ sử dụng thủ đoạn gọi điện lừa chuyển tiền, thời gian gần đây các đối tượng còn mạo danh người giao hàng thực hiện một số hành vi lừa đảo phổ biến như: Giả danh người giao hàng của các đơn vị vấn chuyển , giao đơn hàng ảo hàng giả, hàng không có giá trị; Giả giao hàng cho chủ cơ sở để chiếm đoạt tiên của nhân viên tại các cửa hàng.
Giả làm ship Cod (hình thức giao hàng thu hộ tiền) chiếm đoạt hàng hóa của các chủ cơ sở kinh doanh; Thông báo tặng qua tri ân để thanh toán phí ship cao…. người dân cần hết sức cảnh giác.
Trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên chuyển khoản thanh toán các đơn hàng khi không có ảnh chụp rõ mã nhận đơn và tuyệt đối không truy cập vào bất kỳ đường link nào để tránh sập bẫy tội phạm công nghệ cao.
Đồng thời từ phía đơn vị vận chuyển là Công ty cổ phần GHTK cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cảnh báo rộng rãi đến người dân.
"Ngay khi nắm được thông tin, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp. Trước hết, chúng tôi hướng dẫn người mua hàng sử dụng ứng dụng GHTK để theo dõi đơn hàng một cách chính xác nhất.
Người mua hàng có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên GHTK để xác minh tình trạng đơn hàng", vị trưởng ban Pháp chế, Công ty CP giao hàng tiết kiệm nói.
Bên cạnh đó, GHTK cũng công bố số hotline chính thức 19006092 để khách hàng có thể liên hệ khi gặp bất kỳ thắc mắc nào. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo này thông qua các kênh thông tin như website, ứng dụng di động.
"Chúng tôi nhận thấy những hình thức lừa đảo này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của GHTK.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần ngăn chặn những hành vi lừa đảo của các đối tượng trên", ông Đặng Minh Nam chia sẻ.
Tác giả: Ma Thị Kim Thoa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy