Dòng sự kiện:
Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm thổi 'luồng gió mới' để vượt qua khó khăn
10/04/2020 08:12:55
Hội nghị sẽ bàn về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.

Hôm nay (10/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19, trong đó sẽ thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định an ninh, trật tự.

Do đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1/2020 đạt 3,82%, mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát.

Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn coi sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát; bảo đảm an sinh xã hội, nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người mất việc làm; tiếp tục kiên trì, nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời tận dụng thời cơ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi, bứt phá ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đánh giá, dịch Covid-19 sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 4 triệu lao động ngành dệt may và da giày. Theo ước tính của các hiệp hội doanh nghiệp da giày, với tình hình thị trường như hiện nay, khoảng đến giữa tháng 4, nhiều doanh nghiệp sẽ nghỉ việc và ảnh hưởng khoảng 800.000 lao động.

Nếu đến cuối tháng 4 không có tiến triển tốt hơn thì ảnh hưởng đến 1,2 triệu lao động da giày, túi xách. Còn ngành dệt may khoảng 2,8 triệu lao động. Khó khăn thêm khó khăn khi một số vùng nước ta chịu thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi. 

Với tinh thần vực dậy hoạt động sản xuất trong nước, không để “đổ gục” trước những khó khăn đó, trong rất nhiều cuộc họp Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh ưu tiên chống Covid-19 nhưng phải chống cả tình trạng doanh nghiệp phá sản. Phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết để ngay khi hết dịch, nền kinh tế, các doanh nghiệp đang ở tình trạng “lò xo nén” sẽ bật lên mạnh mẽ, cả về sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt là thúc đẩy giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn vốn đầu tư công để tạo sức cầu cho nền kinh tế.

Do đó, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp và người dân là cách sát sao nhất, thực tế nhất để Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra các giải pháp kịp thời, chính xác và hiệu quả; để có thể thổi một “luồng gió mới” cho một “khí thế mới” vượt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ông đã gặp gỡ các doanh nghiệp để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian nộp thuế đến 12 tháng thay vì dự kiến 5 tháng; mở rộng các loại sắc thuế được gia hạn, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, doanh nghiệp muốn giảm từ 1 - 1,5% lãi suất các khoản đang thực hiện hợp đồng tín dụng từ trước ngày 23/1/2020; giảm 1,5 - 2% đối với các khoản vay mới sau 23/1. Doanh nghiệp cho rằng, họ đóng cửa sẽ dẫn đến vay mới rất ít, vay cũ thì lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng phải giảm tương đương như điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Là một trong hai Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tập trung các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ..., đồng thời kiến nghị chuyển một số dự án từ đầu tư theo hình thức công-tư sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.

Hội nghị được kỳ vọng thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.

Với 4 nội dung chính nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó, nêu rõ các gói hỗ trợ và sau Hội nghị, sẽ có sản phẩm là một Nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy vấn đề này.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến