Dòng sự kiện:
Chính phủ quyết làm lành mạnh hóa thị trường vốn trong năm 2023
03/01/2023 20:08:33
Năm 2023, Chính phủ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, đầu cơ.

Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 gồm 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ cụ thể.

Dự thảo nêu rõ năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.


Với sức ép lạm phát, sản xuất kinh doanh trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Việt Linh.

Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
 
Dự thảo dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài hạn chế.

Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn…

Dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.

Cùng với đó là tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy thị trường trong nước; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý.

Cuối cùng, dự thảo cho biết cần có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%

Nhiệm vụ thứ 5 là đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021-2025, có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia tích cực vào phát triển KTXH.

Dự thảo cho rằng cần tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%.

Tiếp đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại và đẩy mạnh xây dựng, phát triển ngành du lịch.

Hoàn thiện cơ chế quản lý TMĐT, tiền ảo

Nhiệm vụ thứ 6 là tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Trong đó có rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Trong nhiệm vụ thứ 7, dự thảo cho rằng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng nghiên cứu khoa học. Tăng cường năng lực nghiên cứu công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Tác giả: Thảo My

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến