Việc Bamboo Airways vừa thuê bổ sung thành công 2 tàu bay từ ngày 1/1/2024 và tăng tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết khẳng định nỗ lực phục hồi của Bamboo Airways và cũng thể hiện sự tin tưởng của các đối tác, bạn hàng vào sự tồn tại và phát triển của hãng.
Theo kế hoạch, sáng 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ chủ trì cuộc họp để xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways.
Cuộc họp dự kiến có sự tham dự của các Bộ: Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải - GTVT, Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV; UBND TP. HCM; Bamboo Airways.
Được biết, thời gian gần đây, Bamboo Airways đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình hoạt động, đồng thời kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hãng nói riêng và các doanh nghiệp hàng không nói chung. Trong đó văn bản gần nhất được Bamboo Airways gửi đi là vào cuối tháng 11/2023.
Hiện chưa rõ các nội dung báo cáo, kiến nghị của Bamboo Airways với Chính phủ, nhưng nhiều khả năng sẽ liên quan đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của hãng trong giai đoạn nhóm nhà đầu tư mới tiếp nhận, đặc biệt là kế hoạch tái cấu trúc và định hướng phát triển; các kiến nghị liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn về vốn, xử lý công nợ với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cảng hàng không - sân bay, các nhà cung cấp nhiên liệu bay và dịch vụ phục vụ mặt đất…
Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng giúp Bamboo Airways duy trì khả năng hoạt động liên tục trong thời gian tới, trước khi dần vượt qua những khó khăn nội tại và hệ luỵ tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways đã phải đối mặt với gánh nặng lỗ, nợ sau một quá trình khởi nghiệp nhiều yếu tố bất lợi tác động đến thị trường hàng không và nền kinh tế như đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine, giá nhiên liệu leo thang, tỷ giá ngoại tệ rung lắc...
“Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi chuyện đang tốt lên. Tôi khẳng định những lời đồn Bamboo Airways phá sản là vô căn cứ. Chúng tôi đã có phương hướng, lộ trình tái cấu trúc toàn diện Bamboo Airways”, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Theo ông Lương Hoài Nam, Bamboo Airways đã phải phải chịu những sức ép khá lớn. Một số đối tác có phần hơi "nặng tay" với Bamboo Airways, so với các hãng bay khác cũng đang nợ họ. Thực sự, sau đại dịch, hiếm có hãng hàng không nào trên thế giới mà lại không thua lỗ, nợ nần, ít thì trăm triệu, nhiều thì cũng lên đến cả tỷ USD.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp vẫn đang có những khoản nợ lớn do kinh doanh khó khăn sau đại dịch, thậm chí dư nợ còn lớn hơn nhiều Bamboo Airways. Tuy nhiên, có thể họ xử lý quan hệ với các chủ nợ tốt hơn, cũng như tạo được niềm tin cao hơn về khả năng phục hồi và trả nợ thông qua các kế hoạch tái cấu trúc.
“Dù là tự tái cấu trúc hay tái cấu trúc bắt buộc theo luật phá sản của các nước, để làm yên lòng các chủ nợ, các hãng hàng không đều cần phải đưa ra được kế hoạch kinh doanh mà các chủ nợ thấy khả thi. Trên cơ sở đó, các bên tiếp tục hợp tác để doanh nghiệp có thể tái cấu trúc thành công, dần thanh toán các khoản nợ nần”, ông Lương Hoài Nam, người từng tham gia tái cấu trúc Pacific Airlines những năm 2004-2007 nhìn nhận.
Được biết, trong cuộc tái cấu trúc toàn diện này, Bamboo Airways lựa chọn mô hình hàng không truyền thống, với 2 hạng dịch vụ là “Thương gia” và “Phổ thông” được định vị theo hướng “vừa túi tiền”, phục vụ nhu cầu đi máy bay của các đối tượng hành khách có thu nhập trung bình hoặc thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, Bamboo Airways sẽ ứng dụng các phương thức tổ chức hoạt động, khai thác, cung cấp dịch vụ theo hướng tiết kiệm chi phí, các phương pháp kiểm soát, quản trị chi phí hiện đại, tổ chức lao động khoa học để giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, từ 3 dòng máy bay trước đây, trong kế hoạc tái cấu trúc lần này, Bamboo Airways sẽ chỉ khai thác một dòng máy bay Airbus 320/321 cho đến khi trở lại quy mô 30 máy bay (thậm chí đến 50-70 máy bay), đồng thời, giảm bớt số lượng các chủng loại động cơ, thiết bị, phụ tùng máy bay để tiết kiệm các chi phí bảo dưỡng, vận hành.
Ngay trong quý III/2023, Bamboo Airways đã chủ động đàm phán với các chủ tàu cho thuê máy bay, trả bớt các loại máy bay gây ra lỗ lớn và không phù hợp với chiến lược phát triển đội tàu bay và đã đạt được kết quả có lợi.
Trong thời gian tới, Bamboo Airways sẽ xác định thời điểm ngừng khai thác loại máy bay Embraer E190, tìm kiếm thuê thêm máy bay Airbus A320/321 để đạt quy mô 14 - 16 máy bay đến cuối năm 2024, trước khi trở lại quy mô cũ 30 máy bay vào cuối năm 2026 và tăng lên đến 50 máy bay vào cuối năm 2028.
Bamboo Airways cũng đã triển khai tái cơ cấu mạng đường bay: dừng khai thác các đường bay dài đi Anh, Đức và Úc; các đường bay quốc tế khu vực đi Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan; một số đường bay nội địa kém hiệu quả đi Phú Quốc, Cần Thơ, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Quảng Ninh.
Trong 5 năm tới, Bamboo Airways sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả mạng đường bay nội địa và quốc tế khu vực có tầm bay dưới 7 giờ và dung lượng thị trường lớn ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ.
Bamboo Airways đang tiến hành tổ chức bộ máy tinh gọn, ít tầng nấc, theo hướng tập trung xây dựng các mảng công việc lõi của một doanh nhiệp vận tải hàng không, đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không có năng suất lao động cao hàng đầu (thể hiện qua số lượng người lao động bình quân trên 1 máy bay trên cùng mặt bằng so sánh).
“Không phải chờ đến năm 2025 Bamboo Airways mới hoạt động theo mô hình kinh doanh mới, mà hãng sẽ thực hiện chuyển đổi ngay từ đầu năm 2024. Một số công việc chưa thể xong ngay trong tháng 12/2023, ví dụ thay đổi hệ thống bán vé máy bay, giải quyết lao động dôi dư... nhưng hầu hết các nội dung tái cấu trúc Bamboo Airways sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12/2023”, ông Lương Hoài Nam thông tin.
Theo kế hoạch 5 năm 2024-2028, trong năm 2024 Bamboo Airways sẽ lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2025 hãng sẽ vượt qua điểm kinh doanh hòa vốn và lợi nhuận tăng dần trong các năm sau. Dự kiến đến năm 2028, Bamboo Airways có thể đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.700 tỷ đồng.
Khó khăn lớn nhất của Bamboo Airways trong giai đoạn hiện nay chính là việc duy trì dòng tiền do kết quả kinh doanh của Bamboo Airways từ ngày hoạt động đến nay bị lỗ nặng, gây ra gánh nặng nợ nần lớn kéo dài với nhiều nhà cung cấp và các tổ chức tín dụng.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6354/VPCP – DMDN gửi các bộ: GTVT; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính và Ngân hàng Nhà nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Tại công văn này, Thủ tướng đề nghị Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bamboo Airways và các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo của Công ty tại văn bản nêu trên để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT cũng được giao chủ trì phối Bộ Tài chính xử lý các khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước liên quan…); Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan khó khăn trong việc thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép tăng quy mô đội tàu bay lên trên 30 tàu.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn, nhất là các hãng bay.
Trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng hàng không vẫn đang “gồng mình” đương đầu với những khó khăn về sản lượng và doanh thu chưa phục hồi như trước dịch (thời điểm 2019). Vừa qua, các hãng hàng không cũng đã công bố báo cáo tài chính, dù doanh thu có khởi sắc nhưng lợi nhuận chưa tương xứng và những khoản lỗ vẫn còn nặng nề mà hậu quả từ đại dịch Covid-19.
“Trong điều kiện đó, giá nhiên liệu tiếp tục “nhảy múa” và vượt ngoài dự báo của theo kế hoạch đề ra của năm nay thì những kế hoạch về doanh thu tài chính sẽ kéo theo sự biến động và điều này làm cho kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các hãng bay bị ảnh hưởng rất lớn”, đại diện VABA đánh giá.
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy