Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký tờ trình của Chính phủ tới Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Mục tiêu của nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, nghị quyết sẽ được thực hiện trong 5 năm; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Có thể dùng tiền tăng thu để đầu tư phát triển
Thứ nhất, trong trường hợp TP.HCM dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hàng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Theo đó, Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
TP.HCM được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Ảnh: Quỳnh Danh.
Thứ hai, TP.HCM được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Nghĩa là có thể sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Thứ ba, quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Thứ tư, TP.HCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân. TP.HCM cũng được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.
Sử dụng ngân sách địa phương làm dự án giao thông
Thứ năm, UBND cấp quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán.
Thứ sáu, TP.HCM được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.
Thứ bảy, có quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành ph , từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.
Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thứ tám, Thành phố được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành quy chế thu, chi, đảm bảo tính minh bạch.
Thứ chín, cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách Thành phố hưởng 100%.
Thứ mười, cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.
Có thể điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích quốc gia, cộng đồng
Mười một, quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Mười hai, quy định chính sách về xây dựng nhà ở xã hội: Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết; được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội.
Mười ba, quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn các công trình công cộng (nhà, sân bãi để xe; nhà vệ sinh công cộng) trên đất do Nhà nước quản lý.
Chính phủ đề xuất quy định cụ thể các trường hợp về lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ở TP.HCM. Ảnh: HD.
Mười bốn, quy định nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được xem xét bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng.
Mười lăm, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.
Có cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược
Mười sáu, quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới..; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Mười bảy, quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thành phố.
Mười tám, TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ các Sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm.
Mười chín, quy định số lượng cấp phó của UBND Thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố.
Hai mươi, quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.
Hai mươi mốt, quy định việc ủy quyền của Chủ tịch UBND Thành phố cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố.
Có thể lập và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP
Hai mươi hai, Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Hai mươi ba, TP.HCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố.
Hai mươi tư, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu công nghiệp, khu chế xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.
Hai mươi lăm, quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, chủ tịch UBND Thành phố cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức.
Hai mươi sáu, quy định việc HĐND TP.HCM thành lập một số ban, văn phòng ban, văn phòng thuộc thành phố Thủ Đức.
Hai mươi bảy, quy định HĐND thành phố Thủ Đức quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức.
Tác giả: Thuận Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy