Dòng sự kiện:
Chính phủ yêu cầu có tiêu chí việc làm, chính sách ưu đãi cho nhà giáo
09/07/2023 07:30:53
Trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ yêu cầu thiết kế chính sách theo hướng có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6.

Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực khắc phục bất cập về vật chất, kinh phí, nhân lực để đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương khắc phục những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, chưa khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và thi đua khen thưởng.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát quy định pháp luật hiện hành tại các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo.

Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhất là dự án luật khó, phức tạp, có tác động lớn.

Cần tổng kết toàn diện, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật hiện hành để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thông thoáng, phù hợp với thực tiễn, có lộ trình phù hợp với điều kiện, văn hóa, truyền thống của Việt Nam. 

Về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Chính phủ giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo luật, cần khắc phục bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

Nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện. Do thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ GD&ĐT chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật.

 Tác giả: Trần Thường

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến