Dòng sự kiện:
Chính phủ yêu cầu NHNN đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay
07/10/2023 10:16:47
Chính phủ yêu cầu NHNN bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Chính phủ yêu cầu NHNN thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt… không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.”

Đây là nội dung của Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được Chính phủ ban hành.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư đã ban hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực trong thời gian qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính phủ cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm d khoản 4 Mục I Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2023.

Cũng theo nội dung Nghị quyết, trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý 3 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 3 tăng 4,57% so với cùng kỳ; nhiều địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước đã phục hồi, tăng trưởng khá; bảo đảm an ninh năng lượng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; an ninh lương thực được đảm bảo. Khu vực dịch vụ tăng nhanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,5%, tính chung 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ. Gần 18.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong tháng Chín, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đạt 165.200 doanh nghiệp, tăng 1,2%.

Tín hiệu tích cực này cũng phản ánh tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng qua của toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Đây là mức tăng đáng kể so với công bố hôm 21/9 (5,91%).

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã có sự khởi sắc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy chỉ trong tuần cuối tháng Chín, tín dụng đã có tăng trưởng khá mạnh, từ 5,91% lên 6,92%. Tính theo số tuyệt đối thì có đến hơn 120.000 tỷ đồng được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong những ngày cuối tháng vừa qua.

Sự bứt tốc này cũng gây chú ý bởi kể từ tháng Sáu, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể các tháng trước (tăng trưởng tín dụng cuối tháng Sáu là 4,73%, cuối tháng Bảy là 4,54%).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm ngoái và cùng kỳ các năm nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây.

"Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao," Phó Thống đốc nhận định./.

Tác giả: Thúy Hà

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến