Trong một bức thư hôm 19/11 gửi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin yêu cầu Fed hoàn trả khoảng 455 tỷ USD chưa sử dụng cho các chương trình sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Mnuchin cho biết Quốc hội sẽ dùng số tiền này vào mục đích khác.
Quyết định này sẽ buộc chấm dứt một số chương trình được thiết kế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn vì đại dịch, sau khi các chương trình này hết hiệu lực. Số tiền này nằm trong CARES Act – gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD được Mỹ tung ra hồi tháng 3 để cứu nền kinh tế, thông qua nhiều biện pháp, như hỗ trợ tài chính và khoản vay cho các doanh nghiệp.
"Các chương trình của Fed rõ ràng đã đạt mục tiêu", Mnuchin cho biết, "Các thị trường đã phản ứng rất tích cực và ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một sự kiện tháng 9. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Fed ngay lập tức chỉ trích quyết định này. Đây là động thái hiếm hoi, do Fed thường tránh bình luận trực tiếp về các vấn đề chính trị nhạy cảm. Trong thông báo, cơ quan này cho biết muốn các chính sách hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch "tiếp tục vai trò hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang dễ tổn thương".
Đầu tuần này, Powell cho biết còn quá sớm để rút lại các chương trình cho vay. "Khi cảm thấy đã đến lúc, mà tôi không cho rằng sẽ sớm đâu, chúng tôi sẽ rút lại các công cụ này", ông nói.
Động thái này cũng khiến doanh nghiệp Mỹ bất mãn với chính quyền Trump. Phòng thương mại Mỹ chỉ trích quyết định trên là "chấm dứt các lựa chọn thanh khoản quan trọng cho doanh nghiệp vào thời điểm họ cần nhất" và việc này "sẽ trói tay chính quyền kế tiếp một cách không cần thiết".
Trong thư, Mnuchin viết rằng trong trường hợp cần khởi động lại các chương trình trên, Fed có thể gửi yêu cầu lên Bộ Tài chính một lần nữa. Quyết định của Mnuchin cũng được nhận sự ủng hộ của nhiều chính trị gia. Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng tại Thượng viện Mỹ Mike Crapo cho biết việc lấy lại số tiền không sử dụng "sẽ cho phép chúng được tái phân phối cho các mục đích khác, như giảm nợ công hoặc hỗ trợ các lĩnh vực trong nền kinh tế đang cần quan tâm nhất".
Jaret Seiberg – một nhà phân tích tại Cowen thì cho rằng động thái của Mnuchin "dường như mang tính chính trị". "Đây có vẻ là hành động chính trị của chính quyền Trump để hạn chế những gì Joe Biden có thể làm để thúc đẩy nền kinh tế năm tới, đặc biệt nếu Quốc hội không thông qua được gói kích thích lớn", ông nói.
Các nghị sĩ Mỹ vẫn chưa thể thống nhất về gói kích thích thứ hai sau nhiều tháng đàm phán. Các cuộc nói chuyện giữa Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gặp khó từ trước bầu cử Tổng thống Mỹ.
Đảng Dân chủ đang giục Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế thông qua gói kích thích trị giá hơn 2.000 tỷ USD mà họ đã phê duyệt. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã tuyên bố không sẵn sàng chi quá 1.000 tỷ USD.
Tác giả: Hà Thu (theo CNN)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy