Dòng sự kiện:
Chính sách 'ngoại giao cây tre' giúp Việt Nam có những ứng xử linh hoạt, uyển chuyển
14/01/2023 09:48:20
Theo Sputniknews, với việc tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao cây tre, Việt Nam đã triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt, xử lý uyển chuyển, mềm dảo về cách thức, nhưng kiên định về nguyên tắc

Thời gian qua, báo chí nước ngoài đã có những đánh giá tích cực về quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong năm 2022.

Trang Sputniknews ngày 26/12/2022 có bài viết “Trong năm 2022 Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao cây tre”. Tác giả bài báo nhận định “Năm 2022, Việt Nam đã có chiến lược ngoại giao tổng hợp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiều mục tiêu trung hạn, dài hạn và ngắn hạn. Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre”, đó là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiến tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển trên cơ sở hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro…, triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt, xử lý uyển chuyển, mềm dẻo về cách thức, nhưng kiên định về nguyên tắc”.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là một trong những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước trong năm 2022.

Nhấn mạnh “năm 2022 là một năm ngoại giao đầy bận rộn của Việt Nam”, Sputniknews điểm lại gần như đầy đủ các chuyến thăm và làm việc cấp nhà nước của các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm chính thức Campuchia, Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, cùng chuyến thăm chính thức Campuchia, Đại Công Quốc Luxemburg, Hà Lan, Bỉ và tham dự Hội nghị kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-Liên minh châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính; chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia, Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc…

Tác giả bài báo cũng cho rằng, Việt Nam vẫn giữ được quan hệ cân bằng với các cường quốc trên thế giới, kể cả cũ và mới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc… trong điều kiện các cuộc cạnh tranh chiến lược, địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế… đang diễn ra hết sức phức tạp, gay gắt và có nơi rất khốc liệt.

Bài báo cũng đưa ra những bình luận riêng về chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 30/11-2/12/2022, cho rằng đa phần nhận định quan hệ hai nước phát triển hết sức tốt đẹp, “tin cậy” và “gắn bó”, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Đồng thời bài báo cũng cho rằng, chuyến thăm mở ra triển vọng mới để nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới; sẽ mở ra những cánh cửa mới để hai nước có cơ hội hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung cũng như lợi ích của khu vực và thế giới. Bài báo cũng đặc biệt nhấn mạnh chuyến thăm là diễn biến ngoại giao có ý nghĩa không chỉ với khu vực.

Trích dẫn dư luận báo chí Hàn Quốc và báo chí nước ngoài về chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bài báo cho biết, chuyến thăm mở ra tương lai tươi sáng cho hai nước, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc trong việc liên kết với thị trường lớn trên thế giới và Việt Nam đóng vai trò là trụ cột kinh tế của “Chính sách hướng Nam” mới (NSP) của Hàn Quốc. “Quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước là bước khởi đầu quan trọng hướng tới mục tiêu vì một tương lai tươi sáng và năng động hơn cho hai nước”, bài báo kết luận.

Trang điện tử La Città Futura của Italia có nhiều tin bài phản ánh về sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao giữa Liên minh châu Âu và ASEAN tại Brussels (Bỉ), trong đó đánh giá tích cực về quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu, cho rằng Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực mới nổi; Việt Nam đang trở thành cầu nối hết sức quan trọng và hiệu quả, góp phần củng cố các cơ chế hợp tác chung giữa ASEAN và Liên minh châu Âu.

Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, trong đó có Việt Nam. Ảnh: UN

The Brussels Times của Bỉ đánh giá việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Bài báo nhấn mạnh, với vai trò mới, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào việc thúc đẩy nhân quyền trên thế giới dựa trên cơ sở hợp tác và đối thoại./.

Tác giả: PV

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến