Trong năm 2022, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ được đánh giá là thành công trên hai phương diện chính, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch vừa hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với những biến động mới từ bên ngoài.
Đối với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện thu ngân sách nhà nước trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý và nuôi dưỡng nguồn thu. Nhờ vậy, thu ngân sách tính đến ngày 15/12 đạt khoảng 1,692 nghìn tỷ, vượt 19,8% dự toán, đảm bảo cho công tác chi ngân sách.
Chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán, tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Tính đến ngày15/12, chi ngân sách nhà nước cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chi theo kế hoạch, đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán.
Bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia được kiểm soát trong ngưỡng an toàn. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được triển khai kịp thời, tập trung, với tổng giá trị hỗ trợ tính đến 15/12 đạt khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Các khoản chi hỗ trợ đã giúp giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đồng thời tạo điều kiện doanh nghiệp và người dân phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới. Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao đã giúp giảm nhẹ tác động tới tỉ lệ lạm phát, kinh tế vĩ mô và đời sống người dân.
TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.
Về phía chính sách tiền tệ, công tác điều hành chính sách tiền tệ phải đối mặt với nhiều áp lực từ bên ngoài như biến động giá cả, tỉ giá và dòng vốn đầu tư. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả thông qua nhiều giải pháp có tính chất đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Trong quý IV năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với liều lượng mỗi lần 1%, nới biên độ tỉ giá từ mức +-3% lên +-5% đồng thời điều chỉnh tăng tỉ giá trung tâm.
Nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng linh hoạt để bơm hút tiền, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế bên cạnh điều chỉnh thận trọng chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các giải pháp mà thị trường tiền tệ tháng 12 năm 2022 đã dần đi vào ổn định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Tỉ giá đã ổn định trở lại sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh vào đầu quý IV.
Tương tự, sau khi lãi suất huy động và cho vay chịu áp lực tăng trong một thời gian ngắn, tình hình đã được kiểm soát trở lại khi Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ thanh khoản, kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay còn các ngân hàng đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa. Tăng trưởng tín dụng tới đầu tháng 12 đạt 12,2% so với cuối năm 2021 và tiếp tục được điều chỉnh thêm khoảng 1,5 - 2% nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Dòng vốn tín dụng tiếp tục được chỉ đạo hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thành công trong công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ đã đóng góp vào thành công chung của kinh tế cả nước trong năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn do tác động của xung đột quân sự, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động giá cả và thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ ở các nước lớn thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những điểm tích cực như kinh tế vĩ mô được bảo đảm ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 8%.
Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn một số tồn tại như tăng thu chủ yếu từ các nguồn không ổn định, bền vững; thu từ hoạt động thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều năm không đạt dự toán, giải ngân chi đầu tư phát triển chậm; thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ một số vấn đề, niềm tin thị trường sụt giảm; mặt bằng lãi suất tăng đáng kể so với cuối năm 2021, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp; xuất hiện tình trạng thiếu vốn tại một số ngành nghề, lĩnh vực tại một số thời điểm.
Sang năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại do tiếp tục phải đối mặt với khó khăn kéo dài từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc cũng như hệ quả kéo dài của chính sách tiền tệ thắt
chặt. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, tiếp tục ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và giá cả năng lượng.
Trong cuộc họp thứ IV năm 2022, Quốc hội đã thông qua các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2023, trong đó, lạm phát sẽ ở mức 4,5%, tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong nước vẫn phải tiếp tục đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả để có thể bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện bất định.
Công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Về phía doanh nghiệp, khi phải đối mặt với những khó khăn và bất ổn thì trước tiên cần triển khai những biện pháp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, thị trường.
Về phía điều hành chính sách tài khóa, cần quyết liệt thực hiện thu ngân sách nhà nước hoàn thành dự toán trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu một cách bền vững bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Công tác chi ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân hàng đầu tư công để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế...
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động, tạo áp lực lớn lên tình hình tài chính trong nước, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ nhằm bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Với thị trường tài chính, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...
Chính phủ đang nghiên cứu để sửa lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, ví dụ là vấn đề về nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay việc quy định các tài sản đảm bảo cho trái phiếu. Cần ban hành một khuôn khổ pháp lý mới, khoa học hơn, chặt chẽ hơn đặt trong sự giám sát hiệu quả hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Về phía điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả và tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa để đảm bảo các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2023.
Trọng tâm của ngành ngân hàng sẽ là tăng trưởng tín dụng và cung tiền hợp lý để hướng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng của đất nước đồng thời tăng cường quản lý rủi ro đối với các khoản tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kiểm soát tốt lạm phát là tiền đề để
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách lãi suất phù hợp, phấn đấu tạo ra mặt bằng lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, khi phải đối mặt với những khó khăn và bất ổn thì trước tiên cần triển khai những biện pháp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, thị trường. Nói cách khác, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng cần phát huy tinh thần tự chủ, tự lực để có thể chủ động ứng phó với tính hình mới. Khi nhu cầu tại các thị trường lớn, truyền thống thu hẹp, các doanh nghiệp cần tìm các biện pháp tiếp cận thị trường mới, và xa hơn là đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ và cung ứng.
Tương tự, việc đa dạng các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, hay sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá cũng sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro khi thị trường tài chính biến động.
Với những kinh nghiệm và kết quả điều hành có được trong năm 2022, chúng ta có quyền tin tưởng rằng công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp và người dân vượt qua những khó khăn và thách thức đang chờ đón, góp phần đạt được thắng lại các mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2023.
TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy