Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành chủ động, linh động
31/10/2018 06:00:20
Báo cáo trước Quốc hội sáng nay (30/10), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30/10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1/11. 

Phát biểu khai mạc phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời.

Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng và Phó Thủ tướng trả lời. Riêng nội dung của Bộ TT-TT sẽ do Phó Thủ tướng trả lời. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề vào cuối phiên chất vấn.

Các đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút và người trả lời không quá 3 phút cho một đại biểu. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời nêu phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Tiếp đó, thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tập trung triển khai các giải pháp điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Tín dụng được điều hành linh hoạt, một mặt đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, mặt khác kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong năm qua tín dụng đã tăng trưởng đều từ đầu năm, mặt bằng lãi suất ổn định đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Triển khai các giải pháp để thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Về giải pháp điều hành trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong lĩnh vực tài chính, về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý, hiện nay, cơ quan thuế, hải quan đã và đang tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới hoạt động quản lý của ngành, phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về thuế, bao gồm các nội dung chính sách, thủ tục đăng ký, kê khai, nộp, hoàn, miễn, giảm, quyết toán thuế; rà soát số lượng điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuế, hải quan; nghiên cứu, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 quy định về hóa đơn điện tử thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Về đổi mới kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, tăng cường hậu kiểm, ngày 8/9/2016, Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đã được công bố, theo đó sẽ kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, chuyển mạnh sang hậu kiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan....

Khánh Linh (T/h) 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến