Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
04/05/2019 06:00:39
Một phần ba chặng đường của năm 2019 đã trôi qua, bức tranh kinh tế vẫn giữ được gam màu sáng với điểm nhấn là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong thành công này có phần góp sức không nhỏ của CSTT.

Tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, hướng vào SXKD vừa giúp kiểm soát lạm phát, song vẫn hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá điện tăng, dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng, việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã góp phần kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Để giữ ổn định CPI ở mức này, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Đánh giá về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 4 tháng đầu năm vừa qua, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tổng phương tiện thanh toán tăng với tốc độ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, cùng với đó tăng trưởng tín dụng cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Các chỉ số này phù hợp với tốc độ tăng GDP của cả nước, cho thấy các yếu tố thị trường tiền tệ phản ánh tương đối đồng nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế các tháng đầu năm 2019.

Ông Kiên nhận định, tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua là hợp lý để các NHTM có thời gian và không gian tiếp tục tái cơ cấu hoạt động, dành nhiều nguồn lực để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn cũng như cơ cấu cho vay theo định hướng của NHNN.

Thực tế cũng cho thấy, trong tháng 4/2019, một số NHTM đã bắt đầu nâng mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn. Gần đây NHNN lại chỉ đạo siết chặt cơ cấu cho vay mua bất động sản và giới hạn ở phân khúc bất động sản tầm trung chứ không nhằm vào phân khúc nhà ở cao cấp hay mục đích đầu cơ trong lĩnh vực này.

Như vậy, chính sách tiền tệ cũng đang góp phần vào tái cơ cấu nền kinh tế, định hướng thị trường phát triển ở các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân, đảm bảo ổn định xã hội. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như mấy năm trở lại đây cũng đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả ở nhiều nhóm hàng.

Vì vậy, khi thị trường chịu những tác động không thuận lợi do thiên tai, dịch bệnh nhưng CPI trong các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, hay du lịch, dịch vụ phục vụ tiêu dùng của người dân ảnh hưởng ít. Đặc biệt 4 tháng đầu năm là thời điểm tập trung nhiều kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, nhưng mặt bằng giá cả được giữ ổn định ở nhiều nhóm hàng thiết yếu.

“NHNN thông qua chính sách tín dụng đã định hướng để DN, nhà đầu tư tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, phục vụ sát sườn cho đời sống của người dân. Và điều này cũng góp phần để ổn định mặt bằng giá cả ở các lĩnh vực này, từ đó ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô”, ông Kiên nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cũng nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì lạm phát ở mức tương đối thấp là điểm sáng của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm. Kết quả này cho thấy NHNN vẫn luôn kiên định trong công tác điều hành khi sử dụng tương đối linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để vừa giữ được sự ổn định của lãi suất mà không tạo thêm áp lực lên lạm phát.

Theo các chuyên gia, vấn đề đáng quan ngại đối với công tác điều hành trong các tháng còn lại của năm hiện đang tập trung vào việc thâm hụt thương mại có thể quay trở lại. Nếu như 4 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư tới 3,7 tỷ USD, thì cùng kỳ năm nay con số này chỉ hơn 700 triệu USD.

Tuy nhiên theo ông Thành, nhìn tổng thể áp lực lên tỷ giá là có nhưng không quá lớn như năm trước. Lý do đầu tiên là chính sách của Fed không tăng lãi suất, hoặc chỉ tăng 1 lần. Thứ hai là các nước đều tạm dừng hoặc bắt đầu ít nhiều nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc kích thích kinh tế nhất định, vì vậy áp lực lên lãi suất có thể không quá lớn.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc cũng rất khó dùng tỷ giá như biện pháp tăng tính cạnh tranh và điều đó thể hiện rõ trong năm 2018 đến nay. Yếu tố hậu thuẫn trong nước là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong thời gian qua khá tốt, trong khi NHNN những năm gần đây đã có cách phản ứng linh hoạt với các công cụ có trong tay.

Mặc dù vậy, áp lực lạm phát vẫn chưa hết do tác động của các yếu tố bên ngoài như địa chính trị, giá dầu thế giới; tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công… cho thấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà NHNN kiên định theo đuổi vẫn cần được tiếp tục duy trì.

Tại Báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, NHNN Việt Nam cho biết, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm 2019 khoảng 14%, NHNN thực hiện phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD phù hợp với định hướng mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu tăng chậm lại, dịch bệnh chăn nuôi bùng phát.

Tính đến ngày 17/4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,29% so với cuối năm 2018; huy động vốn tăng 2,69%; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,23%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 2,93%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 7,62%...

Thị trường ngoại tệ, tỷ giá những tháng đầu năm cũng tương đối ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nước tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. Lũy kế từ đầu năm đến 17/4/2019, NHNN mua được 8,35 tỷ USD từ các TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến