Dòng sự kiện:
Chính sách tỷ giá ổn định 'giữ chân' dòng vốn ngoại
12/07/2018 11:00:51
Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nổi bật trên thế giới khi tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2018.

6 tháng đầu năm 2018, vốn FII vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 82,4%

Kết quả này có được, theo giới chuyên gia, xuất phát từ sự đồng bộ các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, mà điểm nổi bật là ổn định giá trị đồng tiền.

TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho hay, trong những năm qua, lãi suất huy động USD được đưa về 0%/năm, trong khi lãi suất VND cao hơn hẳn, nên tỷ lệ tiền gửi bằng USD trong tổng tiền gửi của ngân hàng giảm mạnh.

Dẫu vậy, với chính sách điều tiết hợp lý, dự trự ngoại tệ của Việt Nam hiện đạt khoảng 65 tỷ USD - mức cao kỷ lục, giúp cơ quan quản lý có thể chủ động trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Về vấn đề tỷ giá tăng, theo TS. Võ Trí Thành, mức tăng năm nay vào khoảng 2%, thay vì 3% như dự báo, còn lạm phát tăng khoảng 4%.

Chính sách tỷ giá ổn định giúp thu hút được dòng vốn ngoại. Vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam năm qua đạt 2 tỷ USD, trong đó 1,2 tỷ USD vào cổ phiếu và 800 triệu USD là trái phiếu. 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù TTCK Việt Nam diễn biến khó lường, nhưng vốn FII vào Việt Nam vẫn đạt 4,1 tỷ USD, tăng 82,4%. Đây cũng là kỳ thứ 3 liên tiếp vốn FII thực hiện tăng trưởng cao so với năm trước.

Thực tế, sau khi đạt được mức đỉnh lịch sử vào đầu quý II/2018, TTCK Việt Nam đã chứng kiến đợt sụt giảm mạnh ngay trong kỳ, bất chấp các yếu tố vĩ mô tiếp tục tích cực.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu là do động thái rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, bên cạnh tâm lý lo ngại chu kỳ 10 năm lặp lại đối với chứng khoán Việt.

Dù vậy, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu so sánh các yếu tố vĩ mô của 10 năm trước, thì nền tảng hiện tại vững chắc hơn nhiều khi vốn FDI tăng liên tục tăng trưởng, cán cân vãng lai thặng dư… Mặt khác, tuy khối ngoại rút ròng mạnh trong quý II, nhưng tính lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn là mua ròng. Điều này cho thấy, dòng vốn ngoại chưa rút khỏi thị trường, mà vẫn nằm chờ cơ hội.

TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, TTCK Việt Nam đang phụ thuộc vào các báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô, trong khi lại thiếu thông tin trực diện về doanh nghiệp, tức là thiếu sự phân tích về tài sản hữu hình, mà chỉ tập trung vào tài sản vô hình.

"Chúng ta cần có sự phân tích kỹ lưỡng về các doanh nghiệp trong nước, chứ không riêng khu vực FDI. Theo tôi, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần là nguồn nhân lực phù hợp, chứ không chỉ là tài năng", ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Dương, bên cạnh yếu tố nguồn nhân lực, việc tiêu thụ và hấp thụ vốn cũng là vấn đề cần giải quyết đối với các doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn mạnh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trong khi còn rất hạn chế đối với khu vực sản xuất, kinh doanh và nhất là doanh nghiệp phụ trợ - vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

"Dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam được khống chế ở mức 7%, nhưng nếu tính cả dư nợ cho vay để sửa chữa nhà, thì tỷ lệ này có thể lên đến 20%. Tại Mỹ, tỷ lệ cho vay bất động sản chỉ là 8%", ông Dương nói.

Về tín dụng bất động sản, TS. Võ Trí Thành cho hay, hiện tỷ trọng cho vay bất động sản đạt khoảng 14-16% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế (6,8 triệu tỷ đồng), còn tỷ lệ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 16-17, nhưng trong đó có tới 50-60% vào bất động sản. Do đó, rủi ro cho vay bất động sản là cần thiết phải cảnh báo.

“So với giai đoạn 2007-2008, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam hiện đã thay đổi tích cực hơn: Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao, tỷ giá được kiểm soát...

Dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn ngoại, nên mỗi khi dòng vốn này biến động, thị trường cũng 'nhảy múa' theo. Vì thế, để thị trường vốn tăng trưởng bền vững, điều tiên quyết là các yếu tố như tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng GDP... cần ổn định, hệ thống ngân hàng vững chắc…”, TS. Võ Trí Thành nói.

Theo Tin nhanh chứng khoán

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến