Dòng sự kiện:
Chính thức phá sản Công ty vàng Bồng Miêu
30/11/2018 05:28:50
TAND tỉnh Quảng Nam mở hội nghị chủ nợ Cty TNHH vàng Bồng Miêu lần thứ nhất để các chủ nợ quyết định số phận của Cty này, như đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc tuyên bố phá sản.

Tại hội nghị sáng ngày 28/11, có 24 chủ nợ của Công ty TNHH vàng Bồng Miêu (trụ sở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) có mặt. Trong khi đó, DN có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH vàng Bồng Miêu là Công ty Besra Việt Nam vắng mặt. Hội nghị cũng không có đại diện của Công ty TNHH vàng Bồng Miêu.

Cách chủ nợ bỏ phiếu yêu cầu phá sản Công ty khai thác vàng Bồng Miêu

Theo Cục thuế Quảng Nam, nhiều năm qua hai Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Bồng Miêu chây ì không nộp các khoản nợ thuế. Hiện số tiền nợ thuế và tiền phạt nộp chậm của 2 DN nói trên, với tổng cộng trên 410 tỷ đồng.Theo kết quả, việc đề nghị tuyên bố phá sản Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chiếm đa số phiếu biểu quyết, với 14/24 chủ nợ. Với kết quả này, hội nghị chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với DN này.

Trong đó, Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ hơn 310 tỷ đồng, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu nợ khoảng 108 tỷ đồng. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã dùng nhiều biện pháp để yêu cầu 2 DN này thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; tuy nhiên, DN không hợp tác, cố tình dây dưa không nộp các khoản thuế tồn đọng.

Thực tế cho thấy, vào thời hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, các DN khai thác vàng lãi cả chục triệu USD/năm. Tuy nhiên, khi giá vàng lao dốc kể từ năm 2013, 2 DN khai thác vàng thuộc Tập đoàn Besra bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Từ nợ thuế nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội và nợ nhà cung ứng vật tư, thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại 2 DN nói trên.

Đối với Công ty khai thác vàng Bồng Miêu, trong năm 2015, DN này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất. Có những thời điểm, DN ngừng việc khai thác và cho nhân viên nghỉ chờ việc. Đến 30/6/2014, DN đã lỗ lũy kế tới 30,1 triệu USD tương đương khoảng trên 674 tỷ đồng; nợ ngắn hạn lên đến 1.144 tỷ đồng, vượt 856 tỷ so với tài sản ngắn hạn. Đến nay, DN đã ngừng hoạt động.

Điều đáng nói, trong quá trình sản xuất kinh doanh, dù hết thời hạn hoạt động theo giấy phép mà chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp, song DN vẫn ngang nhiên tổ chức khai thác. Nhiều lần bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện xử lý.

Đơn cử, vào tháng 3/2016, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu bị Công an tỉnh Quảng Nam mời làm việc để hướng dẫn các thủ tục xin gia hạn và tìm cách giải quyết khoản nợ tiền thuế. Mặc dù, chính quyền tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện để DN hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Song DN này vẫn không hợp tác, chỉ cử những người không có trách nhiệm đến làm việc; đồng thời không chấp hành các văn bản của tỉnh Quảng Nam về việc ngừng hoạt động khai thác.

Trước sự bất hợp tác của DN, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản yêu cầu DN dừng mọi hoạt động khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đã có công văn khẳng định, không có cơ sở pháp lý để DN tiếp tục khai thác khoáng sản.

 Thế nhưng, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu bất chấp yêu cầu của các cơ quan chức năng, ngang nhiên khai thác khoáng sản. Đoàn kiểm tra phát hiện các dây chuyền, thiết bị, các phương tiện cơ giới phục vụ khai thác có dấu hiệu vẫn hoạt động.

Cụ thể, tại hầm lò ở khu vực núi kẽm, có xe múc đang hoạt động, có xe vận chuyển quặng trong hầm lò ra bãi kết, hệ thống quạt thông gió đang hoạt động, nước trong mỏ chảy ra có màu đục... Nhiều dấu hiệu tại hiện trường khu vực mỏ cho thấy, DN này vẫn lén lút khai thác trái phép, gây bức xúc dư luận xã hội và người dân địa phương. 

Việc TAND tỉnh Quảng Nam mở hội nghị chủ nợ Công ty TNHH vàng Bồng Miêu nhằm tìm ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý đối với DN và các chủ nợ. Với việc thông qua phương án phá sản, Công ty TNHH vàng Bồng Miêu sẽ bị thanh lý toàn tài sản để trả cho các chủ nợ. Song thực tế tài sản của DN này không đáng giá bao nhiêu so với con số nợ khủng của DN để lại.

Kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại DN có giá trị khoảng 34,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo hơn 25,4 tỷ đồng, tài sản không đảm bảo hơn 9,4 tỷ đồng. Nhưng toàn bộ số tài sản của Công ty TNHH vàng Bồng Miêu là tài sản đặc thù của ngành khai khoáng và tài sản gắn liền trên đất tại khu vực mỏ nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn nếu thanh lý thì giá trị rất thấp.

Trong khi theo số liệu báo cáo của Công ty TNHH vàng Bồng Miêu, đến ngày 12/11/2017, DN này có 100 chủ nợ, với số tiền hơn 943,2 tỷ đồng. Trong đó, 108 tỷ đồng tiền nợ thuế và hơn 4,2 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội.

Việc các chủ nợ biểu quyết thông qua phương án phá sản đối với Công ty TNHH vàng Bồng Miêu sẽ chính thức “khép lại” quá trình hoạt động DN này với khoảng thời gian hơn 10 năm đầu tai tiếng của một nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác kim loại quý tại Quảng Nam.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến