Bất chấp những rủi ro liên tục được cảnh báo trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng vẫn tăng mạnh với tổng lượng phát hành riêng lẻ đạt 422,45 nghìn tỷ đồng. Để hạn chế những “vết rạn” tiềm ẩn đang tồn tại, các cơ quan chức năng đã chính thức có hành động mới.
HẠN CHẾ NGÂN HÀNG MUA TRÁI PHIẾU
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là quy định về các trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ nhất, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Mặt khác, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
DẸP DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH VỐN ẢO
Tại diễn biến khác, trong một buổi tọa đàm vừa mới diễn ra gần đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước chia sẻ, cơ quan này đã đi nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểm tra trong hai tháng gần đây ngay sau khi tình hình dịch bệnh dần kiểm soát. Đặc biệt Uỷ ban Chứng khoán đang trong quá trình điều tra các doanh nghiệp không có vốn mà phát hành và sẽ sớm công bố tên các doanh nghiệp này.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập 10 đoàn công tác tới 10 công ty chứng khoán lớn trong hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu để kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định.
Các trường hợp như doanh nghiệp không phải công ty đại chúng mà phát hành ra công chúng cũng nằm trong diện kiểm tra và chuyển cho cơ quan chức năng. Ông Sơn đánh giá đây là hiện tượng rất nguy hiểm, tương tự như đưa hàng giả lên sàn. Dù không nhiều nhưng là những hạt sạn ảnh hưởng đến thị trường.
“Ủy ban đang căng mình để thanh tra, kiểm tra. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý là kỷ cương kỷ luật quan trọng nhất. Rủi ro thị trường là đương nhiên có, nhưng siết kỷ luật kỷ cương sẽ hạn chế được những rủi ro loại này. Đây cũng là điều mang lại niềm tin cho thị trường, hướng đến nâng hạng thị trường mà tiêu chí công khai minh bạch được đánh giá rất quan trọng”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh .
Không những vậy, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Thông tư nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, điều khoản đáng chú ý nhất là việc quy định trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể kém sôi động trong quý 4/2021 khi khi Bộ Tài Chính thực hiện một số biện pháp quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt từ các doanh nghiệp bất động sản", nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Tác giả: Vũ Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- đồng phục công ty
- Các loại băng tải
- Mẫu gấu bông hình con trâu
- IT outsourcing services : Guide for Asia Outsourcing
- Bảng giá thành lập doanh nghiệp trọn gói uy tín
- Cho thuê máy photocopy tại Bắc Ninh
- Dịch vụ chuyển nhà trọn gói Kiến Vàng
- áo thun đồng phục cao cấp
- đồng phục công ty
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy