Sáng 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp mới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng. Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, coi thường dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng mới, trong đó có việc bỏ quy định về tình trạng giãn cách trong trường học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp mới. Ảnh: Thống Nhất
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai những biện pháp giãn cách xã hội phù hợp với trạng thái bình thường mới đối với các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và kinh tế-xã hội.
Thủ tướng lưu ý chỉ khôi phục, cho hoạt động trở lại đối với các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hoá lớn; đặc biệt là hàng nông sản, thuỷ sản, hải sản xuất khẩu, nguyên liệu cấp thiết cho nhà sản xuất trong nước. Thủ tướng đề nghị chỉ thông thương hàng hoá, không cho người nhập cảnh; đồng thời đẩy mạnh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập. Nếu có người ở nước ngoài về, đều phải cách ly tập trung 14 ngày, trừ trường hợp chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư thì có phương thức cách ly tại chỗ phù hợp. Tuyệt đối không để người nhập cảnh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp dương tính trong cộng đồng. Ban chỉ đạo các cấp duy trì nhóm phản ứng nhanh, dự báo và thu thập dữ liệu để phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính, các trường hợp tiếp xúc gần, kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng đông người, rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc ở nơi đông người.
Cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke, và phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).
Toàn ngành y tế và ủy ban nhân dân các địa phương phải thường trực để xử lý kịp thời 100% khi có vấn đề xảy ra, không được để dịch quay lại.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo về việc không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học. Thay vào đó, cần tiếp tục giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh các cửa sổ, cửa sổ chính thông thoáng. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt lớp học, nhà vệ sinh... Các trường không bắt buộc phải thực hiện giãn cách lớp học, song vẫn hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học với nhau...
Bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thủy…) nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.
Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người…, khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được giao, trong đó có những việc rất quan trọng như tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các gói tài khóa, tiền tệ phải có hiệu lực trước khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 9/5 này. Đặc biệt là giải ngân nhanh tiền hỗ trợ an sinh xã hội đến sớm, đến đúng các đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, đồng thời giám sát để tránh gian lận, trục lợi.
Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch khẩn trương chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông các điểm đến an toàn với các biện pháp đẩy mạnh du lịch nội địa; chủ động tái khởi động thị trường du lịch quốc tế.
Các bộ, ngành và địa phương đều phải có phương án kêu gọi đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến địa phương để tạo không khí sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, tại Việt Nam, kể từ ngày 16/4 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Trong vòng một tuần qua, chỉ ghi nhận 1 trường họp mắc mới là chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, được cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 6/5 đã thực hiện giải tỏa cách ly tại ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và tại xã Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang) sau 28 ngày thực hiện cách ly y tế, không phát hiện trường hợp mắc mới. Như vậy, về cơ bản tình hình dịch tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt, nguy cơ xuất hiện các trường hợp dương tính tiềm ẩn trong cộng đồng là rất thấp. |
Ly Na (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy