Tại Báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), hoạt động chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần giảm đến gần 20% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 6.526 tỷ đồng.
Trong đó, dù thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng vẫn tăng 28%, nhưng chi phí lãi vay và các khoản chi phí tương tự lại tăng đột biến, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, lãi từ dịch vụ của ngân hàng lại tăng 15% lên 1.944 tỷ đồng chủ yếu đến từ thanh toán và tiền mặt tăng mạnh 80%, dù dịch vụ hợp tác bảo hiểm và bảo lãnh phát hành chứng khoán cùng môi giới kinh doanh chứng khoán lao dốc lần lượt 11%, 78%, 76%.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh có phần khởi sắc hơn khi ghi nhận lãi gần 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 95 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động chứng khoán đầu tư cũng giảm lỗ tới 86%, ghi nhận hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý vừa qua, hoạt động kinh doanh ngoại hối của Techcombank lại ghi nhận khoản lỗ thuần 229 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi dương 34 tỷ đồng.
Trong khi tổng thu nhập giảm, chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn tăng gần 5% và dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 144% đã khiến lợi nhuận trước thuế quý I của Techcombank giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.623 tỷ đồng.
Năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu thu về 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với năm 2022. Như vậy, sau quý đầu năm, nhà băng này đã hoàn thành gần 26% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Techcombank nhích lên 723.517 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng hơn 10% lên 465.425 tỷ đồng. Song tiền gửi và cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác lại giảm gần 20%, xuống mức 66.839 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, Techcombank đang dành 213.028 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, còn lại 242.893 tỷ đồng là cho vay các tổ chức kinh tế. Trong đó, chiếm phần lớn là cho các hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tới gần 32% tổng dư nợ).
Số dư cho vay kinh doanh bất động sản này đã tăng hơn 36% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận hơn 147.906 tỷ đồng. Với con số này, Techcombank tiếp tục dẫn đầu toàn hệ thống về chỉ tiêu cho vay bất động sản tính tới thời điểm hiện tại.
Về chất lượng nợ, cũng tính đến cuối quý I/2023, tổng nợ xấu tại nhà băng này đạt 3.945 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 tăng mạnh nhất, với lần lượt tăng 29% và 47%.
Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu tại Techcombank vẫn duy trì ở mức 0,85%, với tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt đến 133,8%, thuộc nhóm ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng đã tăng 8,1% so với đầu năm, đạt gần 387.300 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi có kỳ hạn đạt 263.300 tỷ đồng, tăng 16,5% so đầu năm. Song, ngân hàng từng được biết đến là “vua” CASA lại tiếp tục ghi nhận số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm 6,3% so với đầu năm, đạt 124.100 tỷ đồng.
Theo lý giải của Techcombank, CASA giảm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và thanh khoản hệ thống thắt chặt tại Việt Nam từ nửa cuối năm 2022 khiến lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng cao, tỉ lệ CASA không chỉ của Techcombank mà toàn thị trường cũng tiếp tục giảm.
Tác giả: Lê Thanh Hồng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy