Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy, có hiện tượng một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm, nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016. Ðiều này vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Ðể đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm…
Ðồng thời, yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm… NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.
Thực tế, dư nợ cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm trong hệ thống các TCTD không phải là con số nhỏ.
Bởi không ít khách hàng gửi tiết kiệm, nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc, nếu rút tiền gửi trước hạn thì chỉ được hưởng lãi suất rất thấp, nên chọn giải pháp vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm hiện hữu.
Hạn mức vay được các ngân hàng giải ngân từ 90% giá trị tiền gửi của sổ tiết kiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, một nhân viên ngân hàng cho hay, với một sổ tiết kiệm giá trị 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi phổ biến từ 7,5-8,5%/năm tại nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hiện nay, khi cần vốn, khách hàng rút trước hạn chỉ được hưởng lãi suất tương đương lãi suất không kỳ hạn là 0,3%/năm.
Nhưng nếu chọn vay lại bằng cách cầm số sổ tiết kiệm, thì lãi vay sẽ được cộng thêm biên độ từ 3-4%/năm, tương đương từ 10,5-12,5%/năm. Cũng bởi giải quyết nhanh chóng nhu cầu vốn, thủ tục vay lại thuận tiện, nên khách hàng dễ chấp nhận phương án này khi được tư vấn.
Về phía ngân hàng, vì đã nắm “đằng cán" khi tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác, nên sẵn sàng cho vay.
Các ngân hàng rất “chuộng” cho vay theo hình thức này, bởi vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo được mức sinh lời phù hợp với độ rủi ro thấp.
Mặc dù là giải pháp có lợi cho cả ngân hàng và người vay vốn, nhưng theo giới chuyên gia, với hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro như tín dụng, khó có thể đảm bảo an toàn 100%.
Bởi thực tế, có những khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn để hưởng chênh lệch lãi suất và điều này đã gây ra không ít hệ lụy cho ngân hàng, mà điển hình là “đại án” tại Ngân hàng Xây dựng, vì cho vay cầm cố sổ tiết kiệm dẫn đến bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ về những rủi ro của việc cầm cố sổ tiết kiệm, Luật sư Trương Thanh Ðức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho biết, ngoài việc khó kiểm soát mục đích vay, ngân hàng còn đối mặt mới những rủi ro tiềm tàng khác như: Tiền gửi tiết kiệm cùa pháp nhân hoặc tổ chức khác giao cho cá nhân đứng tên (chẳng hạn, cá nhân cầm cố sổ tiết kiệm là tiền quỹ công đoàn);
Tiền gửi tiết kiệm của người này, nhưng lại do người khác đứng tên hộ (con cái cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền do bố mẹ nhờ gửi hộ)...
“Có thể thấy, việc cho vay trên cơ sở cầm cố bằng thẻ tiết kiệm không phải lúc nào cũng an toàn. Tuy nhiên, với những lợi ích mà giải pháp này mang lại, đây luôn là một trong những biện pháp bảo đảm tiền vay an toàn nhất. Nếu các ngân hàng chủ động hơn nữa trong nhận diện rủi ro đối với việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm thì sẽ gia tăng cơ hội kinh doanh an toàn, hiệu quả”, ông Ðức nhấn mạnh.
Tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành vào cuối năm 2016 đã có những thay đổi về quy định cho vay cầm cố sổ tiết kiệm theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay. Do đó, Thông tư 39/2016 yêu cầu khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Việc phải cung cấp tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn cũng giúp hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại ngân hàng, giảm thiểu các rủi ro về làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn, phát hiện các mục đích sử dụng vốn không hợp pháp, cũng như đảm bảo tương thích với quy định yêu cầu các TCTD phải kiểm tra và giám sát mục đích sử dụng vốn vay sau giải ngân theo quy định cho vay. Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng có khoản vay tại TCTD đến hạn, nhưng sổ tiết kiệm chưa đến hạn rút, khách hàng cũng không được phép cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn trả nợ khoản vay đến hạn tại TCTD theo quy định hiện nay. |
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy